Trong tháng 12/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Singapore với thế giới đạt gần 104,87 tỷ SGD, giảm 7,66%, trong đó xuất khẩu (XK) đạt hơn 55 tỷ SGD, giảm 7,12% và nhập khẩu (NK) gần 49,87 tỷ SGD, giảm 8,24% so với tháng 12/2021.
Tính cộng dồn cả năm 2022, kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt hơn 1.365,4 tỷ SGD, tăng 17,71%, trong đó XK gần 709,97 tỷ SGD (tăng 15,61%) và NK gần 655,4 tỷ SGD (tăng 20,07%).
Trong 12 tháng của cả năm 2022 (so với cùng kỳ 2021), kim ngạch XNK giữa Singapore với 14/15 đối tác lớn nhất (chiếm khoảng 79,95% tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới) tăng trưởng dương, hầu hết ở mức 2 con số, một số đối tác duy trì mức tăng kim ngạch tương đối tốt như United Arab Emirates (tăng 34,15%), Indonesia (tăng 29,24%), Australia (tăng 27,32%), Hàn Quốc (tăng 26,16%), Mỹ (tăng 25,55%), …
Về nhập khẩu: Trong 12 của năm 2022, các thị trường nhập khẩu chính của Singapore vẫn là Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, United Arab Emirates, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ… Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore (đứng thứ 19/20). Mức tăng trưởng nhập khẩu của Singapore với nhóm 20 đối tác lớn này khá cao, 20/20 thị trường tăng trưởng dương với nhiều đối tác có mức tăng rất cao như Brazil (tăng 90,17%), Saudi Arabia (tăng 51,29%), Hàn Quốc (tăng 41,7%), Thái Lan (tăng 36,79%)…
Về xuất khẩu: Trong 12 tháng của cả năm 2022, các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Đáng chú ý, 18/20 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Singapore tiếp tục giữ mức tăng trưởng dương, đa phần ở mức 2 con số, một số thị trường có mức tăng khá cao như Liberia (tăng 70,31%), United Arab Emirates (tăng 51,81%), Panama (tăng 48,24%), …
Theo ngành hàng, Về XK: Trong tháng 12/2022, phần lớn các nhóm ngành hàng XK chính của Singapore ra thế giới (15/21 nhóm) giảm, khiến kim ngạch XK giảm 7,12%. Đáng chú ý, 3/5 nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực (kim ngạch trên 2 tỷ SGD) tăng trưởng âm là: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (19,7 tỷ SGD, giảm 9,32%); lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (8,32 tỷ SGD, tăng 2,7%); máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (3 tỷ SGD, giảm 5,17%), trong đó nhóm có giá trị XK lớn nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện chứng kiến tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng âm.
Về NK: Trong tháng 12/2022, 14/21 nhóm ngành hàng NK chính của Singapore từ thế giới tăng trưởng âm, chỉ có 7/21 nhóm ngành còn lại tăng trưởng dương, khiến kim ngạch NK của nước này giảm 8,24%. Đáng chú ý, 4/5 nhóm ngành hàng NK chủ lực của Singapore (kim ngạch trên 1 tỷ SGD) tăng trưởng âm, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (16,06 tỷ SGD, giảm 13,24%); lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (7,11 tỷ SGD, giảm 9,55%); ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (2,28 tỷ SGD, giảm 26,4%); máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (1,63 tỷ SGD, giảm 15,54%).Nhóm ngành chủ lực duy nhất vẫn giữ được mức tăng trưởng dương là xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (10,57 tỷ SGD, tăng 6,35%).
Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore: trong tháng 12, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt 2,53 tỷ SGD, giảm 10,36% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 567,39 triệu SGD, tăng 4,33% và NK từ Singapore vào Việt Nam khoảng 1,96 tỷ SGD, giảm 13,87%.
Lũy kế 12 tháng của cả năm 2022, kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 31,3 tỷ SGD, tăng 16,29% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó XK đạt hơn 7,57 tỷ SGD, tăng 28,7% và NK khoảng gần 23,73 tỷ SGD, tăng 12,82%.
Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore (tính trong tháng 12/2022):
Trong tháng 12/2022, 14/21 nhóm ngành hàng XK chính tăng trưởng âm, trong đó một số có mức giảm mạnh như nhóm quần áo may mặc (giảm 36%), các sản phẩm từ sắt thép (giảm 46%), đồng và các sản phẩm từ đồng (giảm 39,9%), thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (giảm 36,89%)…. Đáng chú ý, nhóm ngành có kim ngạch XK lớn nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tiếp tục sụt giảm khá mạnh (chỉ đạt 177,3 triệu SGD, giảm 20,75%). Trong khi đó, nhóm ngành XK chủ lực có giá trị lớn thứ hai là lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện đạt mức tăng trưởng rất tốt (154,8 triệu SGD, tăng 83,17%). Cùng với đó, một số nhóm ngành hàng khác cũng tăng trưởng với mức rất cao như nhóm xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 591,07%), Đồ nội thất và các sản phẩm liên quan khác (tăng 92,71%), Thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng 68,49%), muối, lưu huỳnh, đất và đá, thạch cao, vôi và xi măng (tăng 66%).
Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam:
Tháng 12 mặc dù kim ngạch NK hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam tăng trưởng âm và thấp hơn so với tháng liền kề nhưng hàng hóa có xuất xứ Singapore xuất khẩu vào Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt (tăng 7,05%), trong khi hàng hóa trung gian qua Singapore nhập vào Việt Nam tiếp tục giảm tương đối mạnh (giảm 20,3%). Có 11/21 nhóm ngành hàng NK suy giảm, trong đó đáng chú ý là nhóm có kim ngạch NK cao nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại có mức giảm mạnh (chỉ đạt giảm 795,18 triệu SGD tương ứng mức giảm 28,9%), một loạt nhóm ngành khác cũng có mức giảm mạnh như: thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (giảm 71,06%), dược phẩm (giảm 66,78%), rượu và đồ uống (giảm 44,32%), nhựa và các sản phẩm từ nhựa (giảm 42,78%), giấy và các sản phẩm từ giấy (giảm 41,69%). 10/21 nhóm ngành hàng NK chính còn lại tăng trưởng dương, một số tăng trưởng rất cao như: Xà phòng, các chất hữu cơ hoạt động bề mặt, các chế phẩm dùng để giặt, rửa, các chế phẩm bôi trơn, các loại sáp nhân tạo, sáp chế biến, các chế phẩm dùng để đánh bóng hoặc tẩy sạch, nến và các sản phẩm tương tự, bột nhão dùng làm hình mẫu (tăng 588.01%), Da, các sản phẩm từ da và túi du lịch các loại (tăng 414,39%), hàng hóa hỗn hợp (tăng 317,19%), giầy dép các loại (tăng 165,11%)./.
Vietnam Trade Office