Để cơ hội từ các FTA không bị lãng phí

20176

Với hàng loạt các loại thuế nhập khẩu đồng loạt giảm về 0%, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng sẽ giúp hàng Việt Nam thâm nhập tốt các thị trường xuất khẩu. Song, kỳ vọng này chỉ đạt được nếu các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội.

Hiệu quả tận dụng FTA chưa cao

Chất lượng, giá cả phải chăng, phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân bản địa, tôm là một trong những mặt hàng Việt được thị trường Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng. Hằng năm, Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 80 nghìn tấn tôm từ các nước trên thế giới. Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc với thị phần vào khoảng 55,4% tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này.

Do đó, khi FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được phê duyệt, tôm Việt Nam tràn trề cơ hội gia tăng thị phần tại Hàn Quốc hơn nữa khi được miễn thuế nhập khẩu với hạn ngạch 15.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới tận dụng được 2.500 tấn/năm (còn thấp hơn ưu đãi 5.000 tấn/năm mà Hàn Quốc dành cho tôm Thái Lan).

Tôm là một trong những mặt hàng đã bước đầu tận dụng được các lợi thế từ VKFTA, dù chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng. Theo thống kê của Bộ Công thương, cho đến nay, Việt Nam mới tận dụng ở mức độ tốt các FTA với Hàn Quốc (trung bình 78%); mức độ khá với Nhật Bản (trung bình 32%) và Trung Quốc (trung bình 27%); mức độ trung bình với ASEAN (trung bình 20,7%), Australia (trung bình 20,5%) và Ấn Độ (trung bình 18%).

Nguyên nhân là do trong khi các nước trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan có khả năng tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng nhưng ngay cả trong những ngành hàng XK chủ chốt như dệt may, da giày, điện tử, Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp thành phẩm hoặc hoàn thành các sản phẩm quần áo/giày dép từ các nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 90% nông sản của Việt Nam vẫn XK dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá trị XK thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Một số thị trường như: Singapore, Nhật Bản, Australia, New Zealand là những thị trường có quy định chặt chẽ và khắt khe đối với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm… nên hàng XK của Việt Nam còn gặp khó khăn do chất lượng chưa cao.

Về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hiệp định mới có hiệu lực hơn một năm nay và nhận được kỳ vọng rất lớn, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, kim ngạch xuất khẩu XK sang các nước CPTPP, đặc biệt là các nước mà Việt Nam chưa có FTA trong năm đầu hiệp định được thực thi là tích cực, nhưng còn một số hạn chế.

Cụ thể, chỉ khoảng 40% số tỉnh, thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP, số lượng các doanh nghiệp (DN) quan tâm đến việc XK sang các nước CPTPP còn khiêm tốn. Ngoài ra, trong số các mặt hàng XK có mức tăng trưởng cao sang các nước CPTPP chưa có quan hệ FTA như Canada, Mexico, còn thiếu một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như: dệt may, nông thủy sản…

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận, XK dệt may vẫn chưa tận dụng được các cơ hội của CPTPP nếu so sánh với các mặt hàng như nông sản, bởi lẽ, các mặt hàng có những quy tắc xuất xứ khác nhau.

Theo đó, quy định xuất xứ từ sợi trở đi trong CPTPP khiến thách thức lớn nhất của ngành dệt may nằm ở khâu nguyên liệu đầu vào, bởi đến nay, chúng ta vẫn phải nhập khẩu trên 50% nguyên phụ liệu. Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành, vùng nguyên liệu vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Chuẩn bị sẵn sàng “đón sóng”

Thời gian tới đây, để nâng cao hiệu quả thực thi các FTA đã ký kết, ông Lương Hoàng Thái cho biết, Bộ Công thương sẽ đẩy nhanh tiến trình, thủ tục, sớm hoàn thành việc trình phê chuẩn FTA Việt Nam – EU (EVFTA). Tập trung hoàn thiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn EVFTA để có hiệu lực ngay khi Hiệp định được thực thi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về EVFTA và cách tận dụng các cơ hội từ EVFTA mang lại. Các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ ở EU tập trung nguồn lực để phát triển thị trường, tìm kiếm các thị trường XK, nhập khẩu mới trong bối cảnh EVFTA được thực thi.

Riêng đối với thị trường Hàn Quốc, Bộ Công thương sẽ đẩy nhanh việc triển khai hệ thống trao đổi dữ liệu C/O điện tử trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm giúp giảm chi phí đi lại, giao dịch và tạo thuận lợi nhất cho DN hai bên trong quá trình giao thương, tận dụng các lợi ích của VKFTA; đẩy nhanh việc triển khai điều khoản cộng gộp nguyên liệu vải có xuất xứ từ Hàn Quốc với Việt Nam trong Hiệp định EVFTA để DN Việt Nam có thể tận dụng lợi ích này ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Với các FTA khác, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức đặc biệt là hình thức online về cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là cho DN vừa và nhỏ.

Đối với các FTA thế hệ mới, cơ hội cho DN là không nhỏ. Song, nếu DN vẫn thờ ơ, thiếu mặn mà thì những nỗ lực từ phía Nhà nước cũng như “muối bỏ bể”. Do đó, nhiều DN đang nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu của các FTA để được hưởng ưu đãi thuế quan. Để tận dụng EVFTA dự kiến được Quốc hội phê duyệt ngay tại Kỳ họp vào tháng 5 này, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) cho biết, SADACO đã có sự chuẩn bị cả về kiến thức cũng như nguồn nguyên liệu phù hợp với những tiêu chuẩn của EU. Hiện EU chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch XK của công ty và SADACO kỳ vọng tăng con số này lên nhờ thuế quan được giảm và cơ hội mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư kinh doanh với các đối tác EU.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Tổng công ty May Đồng Nai (Donagamex) chia sẻ, tới đây, doanh nghiệp sẽ tìm nhà cung ứng từ các thị trường có FTA với EU để tận dụng ưu đãi của EVFTA; tăng liên kết với các nhà cung ứng vải thuộc Vinatex và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để chủ động nguồn vải, tháo gỡ khó khăn về quy tắc xuất xứ.

HÀ ANH

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]