Hong Kong và Singapore từ lâu đã cạnh tranh để trở thành trung tâm tài chính ưu việt của châu Á. Giờ đây chiến trường đang chuyển sang không gian ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 8-12, từ trái phiếu xanh (green bond) đến giao dịch carbon (carbon trade) và quản lý tài sản, cả Hong Kong và Singapore đều mong muốn trở thành cơ sở tài chính bền vững của khu vực, khi chính quyền và các công ty tăng cường đầu tư để chống lại biến đổi khí hậu.
Bloomberg Intelligence cho biết tổng tài sản ESG có thể tăng vọt lên 53.000 tỉ USD vào năm 2025, và châu Á sẽ khuấy động cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Cuộc đua thu hút tất cả lượng tiền mới đó và hoạt động kinh doanh thương mại ở châu Á sẽ diễn ra trong nhiều năm, nhưng cho đến nay Singapore đã sớm có lợi thế hơn Hong Kong.
“Singapore biết rằng họ không thể có được danh tiếng như Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, nếu giành được chiến thắng, họ sẽ thực sự thay đổi cuộc chơi” – bà Cherie Tam, quản lý cấp cao phụ trách Hong Kong tại công ty tư vấn khí hậu Blunomy, nhận định.
Chẳng hạn, tính đến ngày 28-9, có 272 trái phiếu phát triển bền vững, xanh, xã hội hoặc chuyển đổi được niêm yết tại Singapore, nhiều hơn gấp đôi so với 103 trái phiếu được niêm yết tại Hong Kong.
Các công ty Singapore cũng có lợi thế về các khoản vay xanh, với khoảng 39,5 tỉ USD, gần gấp ba lần so với mức 13,4 tỉ USD huy động được ở Hong Kong.
Ngoài ra, theo ông Paddy Balfour – giám đốc điều hành tại Acre (công ty tuyển dụng tập trung vào tính bền vững), các chính sách hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19 ở Hong Kong đã thúc đẩy ESG hướng tới Singapore trong năm ngoái.