Do ảnh hưởng của đại dịch, gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tìm đến Thương vụ để tìm hiểu khả năng xuất khẩu trực tuyến sang Singapore qua nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) ngày một nhiều. Trong báo cáo nghiên cứu về Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2020, công bố vào tháng 11/2020 của Google, Temasek và Bain&Company, Singapore là nước có mức tăng trưởng mật độ sử dụng các nền tảng thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, tới 35%. Theo các tác giả Koh, Zein, mức tiêu dùng trung bình cho một giỏ mua sắm của Singapore cũng cao nhất khu vực, tương đương 46 USD. Tổng giá trị thương mại điện tử của Singapore năm 2020 đạt 10 tỷ USD, ước tính mỗi người dân Singapore tiêu dùng qua mạng trung bình khoảng 1618 USD/năm. 70% giá trị thương mại điện tử của Singapore là cho thương mại hàng hóa và 30% là thương mại dịch vụ (tải nhạc, tải games, du lịch, lữ hành…). Trong thương mại điện tử hàng hóa, tiêu dùng nhiều nhất của người Singapore là cho quần áo thời trang và đồ điện tử; tiếp đến lần lượt là thực phẩm, đồ nội thất và đồ chơi. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, trong vài năm tới, mức tiêu dùng online nhiều nhất sẽ là cho thực phẩm và hóa mĩ phẩm gia đình, với mức tăng trưởng trung bình ước tính 30% trong vòng 3-5 năm tới.

Tuy là một đất nước nhỏ với chưa đầy 6 triệu dân, nhưng mức tiêu dùng qua thương mại điện tử của Singapore có thể nói gần tương đương với thị trường xấp xỉ 100 triệu dân của Việt Nam. Ước tính, thương mại điện tử qua biên giới của Singapore năm 2020 đạt gần 2.5 tỷ USD. Nếu quy mô thương mại điện tử của Singapore năm 2025 dự kiến đạt 22 tỷ USD thì giá trị thương mại điện tử qua biên giới của Singapore dự kiến cũng sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD. Theo nghiên cứu của JP Morgan công bố gần đây (tháng 3/2021), 73% người tiêu dùng qua mạng Singapore từng thực hiện giao dịch xuyên biên giới. Những phân tích trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội rất tốt để thâm nhập vào thị trường Singapore thông qua thương mại điện tử vì độ dung nạp của thị trường lớn; người tiêu dùng Singapore có xu hướng “phụ thuộc” vào thương mại điện tử nhiều hơn người dân các nước khác do cường độ làm việc cao, nền tảng thanh toán thuận lợi an toàn và tốc độ Internet cao.

Ở Singapore, có rất nhiều sàn thương mại điện tử đang hoạt động. Các sàn thương mại điện tử tổng hợp hoạt động trong mọi lĩnh vực ngành hàng có quy mô xếp hạng lần lượt như sau: Shopee, Lazada, Amazon.sg, Qoo10, Ezbuy, Ebay. Một số sàn chuyên về thời trang, mỹ phẩm như: Zalora, Reebonz, Love Bonito, Althea; và các sàn chuyên về nội thất, phong cách sống là: Courts, Castlery, Forty Two, Hip Van, Tangs, Horme; các sàn chuyên về thực phẩm là Redmart, Fairprice marketplace … Hầu hết các sàn thương mại điện tử đếu cho phép đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài (parcel and fulfillment from oversea) trừ Amazon.sg và các sàn chuyên về thực phẩm. Chi phí phải trả cho các sàn giao dịch thương mại điện tử thông thường là 7.5% giá trị giao dịch, không kể chi phí vận chuyển.

Do mức độ phổ biến của các sàn thương mại điện tử ở Singapore, hầu hết người tiêu dùng Singapore sẽ vào thẳng các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Để đưa hàng vào thị trường Singapore nói chung và hệ thống các sàn thương mại điện tử ở Singapore nói riêng có 3 lựa chọn: 1. Doanh nghiệp Việt Nam tự thành lập công ty ở Singapore – cách thức này ít doanh nghiệp Việt Nam có đủ quy mô để thực hiện (xem thêm bài: https://vntradesg.org/huong-dan-doanh-nghiep-viet-nam-ve-thu-tuc-thanh-lap-doanh-nghiep-o-singapore/); 2. Doanh nghiệp Việt Nam tìm được nhà nhập khẩu Singapore và nhà nhập khẩu tự làm các thủ tục nhập khẩu, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ/thương mại điện tử; 3. Doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp cung ứng trung gian thương mại điện tử hoặc tự chủ động mở “quầy” trên các sàn giao dịch điện tử nếu có đủ năng lực marketting, bán hàng, giao nhận, chăm sóc khách hàng… (xem thêm bài: https://vntradesg.org/globalconnect-b2b-nen-tang-truc-tuyen-giup-doanh-nghiep-ket-noi-voi-doi-tac-trong-khu-vuc/).

Giai đoạn trước Covid, Thương vụ thường hỗ trợ các doanh nghiệp qua việc mời các chuỗi siêu thị, hiệp hội nhập khẩu đến thăm gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam tại các hội chợ triển lãm ở Singapore; showroom của Thương vụ tại Singapore hoặc đưa đoàn doanh nghiệp nhập khẩu Singapore về Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng; hoặc kết nối qua email khi có yêu cầu tìm kiếm đơn hàng cụ thể của nhà nhập khẩu. Điểm ưu việt của cách thức thâm nhập thị trường này là giá trị đơn hàng lớn, doanh nghiệp Việt Nam không phải lo các thủ tục nhập khẩu, giấy phép nhưng lại có hạn chế là tính chủ động thấp, phụ thuộc vào quyết định của nhà nhập khẩu mà không có khả năng tác động đến người tiêu dùng cuối cùng. Thêm vào đó, chi phí đưa hàng vào hệ thống bán lẻ lớn (shelf space fees, slotting fees, listing fees cho từng sản phẩm); sau giai đoạn bán thử, nhiều siêu thị không tiếp tục đơn hàng, khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa mất phí lớn, vừa chịu ép giá. Đưa hàng vào hệ thống siêu thị còn chịu đọng vốn lớn do hầu hết các siêu thị Singapore đều yêu cầu trả chậm ít nhất 90 ngày. Trong khi đó, tham gia vào thương mại điện tử, doanh nghiệp có độ tương tác cao với người tiêu dùng để có thể linh hoạt điều chỉnh sản xuất theo thị hiếu, nhu cầu; không bị đọng vốn vì thanh toán trực tiếp, chi phí ban đầu bỏ ra thấp, toàn quyền kiểm soát thương hiệu…

Chính vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn tham gia các sàn thương mại điện tử ở Singapore thông qua các doanh nghiệp cung ứng trung gian dịch vụ. Nhà cung ứng dịch vụ trung gian này đứng ra là nhà nhập khẩu (xin giấy phép nhập khẩu), làm thủ tục hải quan, cung ứng dịch vụ lưu kho, giao nhận và trung gian bán hàng trên một hoặc cùng lúc trên nhiều sàn thương mại điện tử. Theo ghi nhận của Thương vụ, đến nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử ở Singapore chủ yếu là trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, có rất ít doanh nghiệp tham gia vào các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như đồ nội thất, quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng… Đối với các mặt hàng này, do dễ dàng thực hiện đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài, các doanh nghiệp có thể tự đăng ký tài khoản và “mở quầy” trực tiếp với các sàn, ví dụ như Lazada, Shopee… Tuy nhiên, đối với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, do liên quan đến quy định giấy phép nhập khẩu thực phẩm, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải có nhà nhập khẩu tại Singapore để làm thủ tục xin cấp phép tại Cơ quan thực phẩm Singapore nếu muốn bán hàng qua các sàn Amazon.sg, Redmart, Fairprice marketplace… (Riêng Amazon.sg còn yêu cầu phải gửi hàng tại kho của Amazon để thực hiện quy trình FBA và tiêu chuẩn giao hàng trong 2 giờ).

Theo nghiên cứu của Thương vụ, các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thương mại điện tử để đưa hàng vào Singapore sẽ thu mức phí dịch vụ hàng tháng phải trả trung bình là 50SGD để quản lý dịch vụ trung gian cho việc tham gia một sàn thương mại điện tử và 200SGD chi phí lưu kho cho 1 m3 hàng (không giới hạn số lượng mặt hàng). Ngoài chi phí này, doanh nghiệp phải trả chi phí ban đầu một lần là 75 SGD cho mỗi một mặt hàng (mã code quản lý và giấy phép nhập khẩu). Doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng cùng lúc trên nhiều sàn khác nhau, cứ thêm mỗi sàn là 50SGD/tháng. Hiện nay, mô hình thông thường đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm, đồ uống là tham gia ít nhất cùng lúc một sàn đa ngành (Lazada) và sàn chuyên ngành FairPrice marketplace (vận hành bởi chuỗi bán lẻ lớn nhất của Singapore NTUC FairPrice; vì nếu thành công trên ứng dụng thương mại điện tử, doanh nghiệp dễ có cơ hội được chuỗi bán lẻ đề nghị nhập hàng để đưa trực tiếp vào hệ thống siêu thị).

Tham gia thương mại điện tử là xu thế không thể đảo ngược, vì vậy các doanh nghiệp tự tin với chất lượng sản phẩm (bao bì, nhãn mác, chứng chỉ), có năng lực cạnh tranh (giá cả, tính ưu việt của sản phẩm), có sản lượng sản xuất đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng,… cần nhanh chóng nắm bắt xu thế để tiếp cận các nhà nhập khẩu toàn cầu. Thị trường Singapore rất thích hợp để các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể thử nghiệm tham gia thương mại xuyên biên giới.

Hiện nay ở Singapore có nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với giá cả cạnh tranh và với mức độ cung cấp dịch vụ sâu rộng và chất lượng khác nhau (công nghệ quản lý lưu kho, mức độ cập nhật của báo cáo và kiểm kê, quản lý tài khoản thu hộ…) Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp liên hệ với Thương vụ để có thêm thông tin và sự lựa chọn tin cậy. Bên cạnh đó, Thương vụ có thể hỗ trợ thương lượng để doanh nghiệp Việt Nam hưởng mức giá dịch vụ ưu đãi hơn; đồng thời “coaching” doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử (quy định đóng gói, nhãn hiệu và các tiêu chuẩn khác của sở tại…), nghiên cứu thị trường, vươn sang Malaysia, Hàn Quốc từ Singapore.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]