Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Chưa hết bất cập

20801

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện vẫn còn những vướng mắc, bất cập về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, nhiều nơi, song vẫn chậm được giải quyết như yêu cầu kiểm tra nhà nước về an toàn lao động trước thông quan đối với sản phẩm hàng hoá nhóm 2 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; kiểm tra hiệu suất năng lượng;…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tình hình và kết quả 6 tháng đầu năm trong thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Đánh giá chung, trong 6 tháng đầu năm 2020, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 có phần chững lại do tác động của dịch COVID-19 và các bộ, ngành, địa phương tập trung chủ yếu thực hiện các giải pháp chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch.

Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02. Nhiều địa phương đã tích cực tìm kiếm các sáng kiến nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với hình ảnh chính quyền thân thiện và hỗ trợ, như việc triển khai chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành ở địa phương.

Về khởi sự kinh doanh, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập. Cải cách này đã giúp quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam giảm xuống còn 7 thủ tục (trước đây là 8 thủ tục) và chi phí giảm 2.000.000 đồng.

Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, góp phần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình khởi sự kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in. Khi Nghị định này được ban hành sẽ tiếp giảm thêm 2 bước thủ tục và giảm thời gian trong thực hiện khởi sự kinh doanh.

Tiếp cận điện năng tiếp tục là chỉ số có cải cách được ghi nhận với việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BCT, bãi bỏ yêu cầu về bổ sung quy hoạch và xác nhận phù hợp quy hoạch.

Về cấp phép xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/6 đã rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn 20 ngày, thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã ban hành quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng.

Về nộp thuế và bảo hiểm xã hội, triển khai các dịch vụ điện tử là một trong những trọng tâm ưu tiên cải cách. Từ ngày 01/01/2020 đến 10/6/2020, có 539.480 hóa đơn đã được cấp mã; đã triển khai nộp lệ phí trước bạ điện tử tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 12/3/2020…

Về tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở thông tin tín dụng quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu, mở rộng nguồn thông tin từ các nguồn thông tin phi truyền thống. Độ phủ thông tin tín dụng tiếp tục được cải thiện so với cuối năm 2019, tăng trên 1,27 triệu khách hàng vay, nâng tổng số khách hàng trong kho dữ liệu quốc gia lên trên 43,88 triệu khách hàng.

Về bảo vệ nhà đầu tư, Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/6 đã nhiều điểm mới trong nâng cao khung khổ pháp lý quản trị doanh nghiệp. Nhiều nội dung đã được sửa đổi nhằm nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư như mở rộng phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; ngăn ngừa người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông, nâng cao mức độ công khai hóa và minh bạch thông tin doanh nghiệp… Dự kiến, khi Luật có hiệu lực sẽ góp phần nâng xếp hạng của nước ta lên nhiều bậc trong xếp hạng của WB về bảo vệ nhà đầu tư.

Để cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã triển khai một số giải pháp như: Công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự; triển khai thống nhất cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự; đề xuất xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến tài sản trong thi hành án dân sự.

Doanh nghiệp còn nhiều bức xúc về kiểm tra chuyên ngành

Về cải cách các điều kiện kinh doanh, Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 đã bãi bỏ 21 ngành, nghề; sửa đổi 24 ngành, nghề và bổ sung 7 ngành, nghề.

Tính đến tháng 6/2020, hầu hết các bộ, ngành đã hoàn thành việc thống kê và đăng tải đầy đủ quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý. Tuy vậy, qua khảo sát thực tế cho thấy hầu hết các bộ, ngành chưa theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi những cải cách này.

Cho đến nay, Bộ Công Thương là Bộ duy nhất tiếp tục có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý và đã tham mưu cho Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, gây bức xúc lớn cho doanh nghiệp đã được phản ánh trước đây nhưng chưa được giải quyết (như hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cũng chững lại, ít chuyển biến. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch,…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Tuy vậy, Đề án còn ở mức dự thảo, thảo luận nhằm thống nhất giữa các bộ quản lý chuyên ngành.

Bên cạnh đó, những vướng mắc, bất cập về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, nhiều nơi, song vẫn chậm được giải quyết như yêu cầu kiểm tra nhà nước về an toàn lao động trước thông quan đối với sản phẩm hàng hoá nhóm 2 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; kiểm tra hiệu suất năng lượng;…

Cũng trong nửa đầu năm, thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử có sự chuyển biến, nhưng chưa đạt kỳ vọng. Đến cuối tháng 4 năm 2020, có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 49 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có 19.525 ATM (tăng 1,76% so với cùng kỳ năm 2019) và 257.276 POS. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành dự thảo Quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Napas và các tổ chức tín dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh. Kể từ thời điểm được khai trương (ngày 09/12/2019), Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp 08 nhóm dịch vụ công; thì tới 1/7 đã cung cấp 725 dịch vụ.

Ở cấp địa phương, một số tỉnh, thành phố đã tổ chức tốt các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Đa số các địa phương đã nâng cấp Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh. Một số địa phương đã phối hợp với zalo hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính và theo dõi kết quả giải quyết (như Quảng Ninh). Tương tự, Đồng Tháp triển khai và vận hành Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 (vận hành từ ngày 03/01/2020).

Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, dù nhiệm vụ áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tuy được đưa vào kế hoạch hành động của tất cả các bộ, ngành, địa phương, nhưng tiến độ thực hiện ở nhiều nơi còn chậm, tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 02 trong 6 tháng tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, cơ quan, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình và đánh giá kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả các cải cách về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý giai đoạn 2016-2020. Khẩn trương đề xuất xây dựng, soạn thảo các nghị định, luật để sửa đổi các luật có liên quan nhằm thực thi phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt.

Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả áp dụng dịch vụ công trực tuyến và kết nối thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.

Khẩn trương chỉ đạo thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền để cho phép người dân, doanh nghiệp nhận và chi trả thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau (nhất là trong thực hiện thanh toán dịch vụ như điện, nước, chi trả trợ cấp,…); đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 4…

Bảo Lâm

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]