Kon Tum là địa phương có nhiều yếu tố tự nhiên có tiềm năng phát triển các dự án điện gió. Đến nay, Kon Tum đã có 17 cụm dự án nhà máy điện gió đã triển khai nghiên cứu, đề xuất đầu tư từ nguồn kinh phí của các doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 2.000MW.
Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum chưa có dự án nhà máy điện gió nào được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.
Do vậy, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung 9 dự án điện gió với tổng công suất 264,7MW vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị Quyết 55-NQ-TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lực phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cu thể, tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch 9 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 264,7MW cho 3 nhà đầu tư gồm: Công ty CP Đầu tư thủy điện Đăk Piu 2, Công ty CP Thủy điện Trường Giang, Công ty CP Đầu tư năng lượng gió Tây Nguyên vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.
UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, các dự án điện gió nêu trên không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, không ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên hiện có.
Bên cạnh đó, các dự án phù hợp với Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 10/1/2020 và Quyết định 329/QĐ-BCT ngày 22/1/2020 của Bộ Công Thương về nguyên tắc ưu tiên phương án giải tỏa công suất.
Theo đại diện UBND tỉnh Kom Tum, các dự án nhà máy điện gió trên nếu được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035 là cơ hội lớn về phát triển kinh tế xã hội địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh khi dự án đưa vào vận hành phát điện, tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự khu vực.
Đồng thời, Kom Tum cũng đã có đề nghị đối với việc bổ sung Quy hoạch trạm biến áp 500kV, 220kV và hệ thống đường dây 220kV đấu nối vào Quy hoạch điện VIII, để phục vụ việc giải tỏa công suất các dự án điện nói chung và dự án năng lượng tái tạo nói riêng, UBND tỉnh Kon Tum đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia Trạm biến áp 500kV Kon Tum, các trạm biến áp 220kV và hệ thống đường dây đấu nối tại Công văn số 1030/UBND-HTKT ngày 1/4/2020.
Theo đó, bổ sung quy hoạch Trạm biến áp 500kV Kon Tum, cấp điện áp 500/220/110kV với công suất 3x900MVA trên địa bàn xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum và tuyến đường dây 500kV mạch kép đấu nối chuyển tiếp lên đường dây 500kV hiện có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đấu nối Trạm biến áp 500kV Kon Tum vào lưới điện khu vực.
Bổ sung quy hoạch Trạm biến áp 220kV Đăk Hà, cấp điện áp 220/110/35/22kV với công suất 5x250MVA và các ngăn lộ đấu nối trên địa bàn xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (Trạm biến áp 220kV Đăk Hà sẽ giải tỏa công suất 9 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 264,7MW).
Bổ sung quy hoạch Trạm biến áp 220kV Kon Plông, cấp điện áp 220/110/35/22kV với công suất 5x250MVA và các ngăn lộ đấu nối trên địa bàn thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Bổ sung quy hoạch các tuyến đường dây 220kV đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đấu nối, truyền tải công suất giữa các Trạm biến áp 220kV Kon Tum – Trạm biến áp 220kV Đăk Hà – Trạm biến áp 500kV Kon Tum – Trạm biến áp 220kV Kon Plông.