Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVIPA

61700

Với 461/462 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, sáng 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghi quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ngày 20/5/2020, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Hầu hết ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí cao Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tán thành phê chuẩn Hiệp định đồng thời với Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD; việc phê chuẩn Hiệp định giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước châu Âu.

Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng phân tích những khó khăn, thách thức và đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực. Có ý kiến cho rằng cần chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền đến các doanh nghiệp để khai thác các lợi thế mà Hiệp định mang lại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trân trọng tiếp thu toàn bộ các ý kiến khuyến nghị đầy tâm huyết, rất xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu, bổ sung vào Kế hoạch triển khai Hiệp định.

Các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí nội dung của Hiệp định không trái với Hiến pháp và cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, tán thành ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định.

Về dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/5/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định. Đến ngày 25/5/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được 358 ý kiến, trong đó có 349 ý kiến đồng ý hoàn toàn với dự thảo, 9 ý kiến tham gia về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Nghị quyết quyết nghị Phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam.

Về áp dụng điều ước quốc tế, Nghị quyết khẳng định: Áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định, trừ các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định này. Ban hành Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định để thực hiện các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định.

Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Nghị quyết nhấn mạnh, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết trong Hiệp định.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định, hạn chế tối đa các trường hợp tranh chấp với nhà đầu tư mà phía Việt Nam là bị đơn; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.

Về giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết

Theo chinhphu.vn

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]