TÌNH HÌNH KINH TẾ SINGAPORE QUÝ II/2021

137946

Đến ngày 26/7/2021, hơn 50% dân số Singapore đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (Moderna hoặc Pfizer); dự kiến đến Quốc khánh Singapore (9/8), 2/3 dân số sẽ được tiêm đủ 2 mũi. Với tốc độ tiêm chủng và tỷ lệ dân số tiêm chủng cao, Singapore đang nới dần các biện pháp giãn cách xã hội để chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới vào tháng 9, cũng như mở cửa lại cho du lịch.

Việc kiểm soát tốt tình hình Covid-19 đã giúp Singapore có những dấu hiệu hồi phục trong Quý 2/2021. Thăm dò mới đây của Liên đoàn doanh nghiệp Singapore cũng cho thấy mức độ lạc quan kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự cải thiện từ 46.3 điểm hồi Quý 4/2020 lên 49.9 vào cuối Quý 2/2021. Khoảng 2.100 doanh nghiệp trong 6 ngành đã được điều tra, trừ lĩnh vực xây dựng, các ngành thương mại, sản xuất, bán lẻ, F&B, dịch vụ và vận tải đều có sự lạc quan cho rằng hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm sẽ có sự mở rộng. Các chỉ số khác về lợi nhuận, đầu tư, tuyển dụng, tiếp cận vốn, doanh số… đều có sự cải thiện rõ. Trong 6 tháng đầu năm, đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nhiều hơn cùng kỳ 2020, nhờ các chương trình hỗ trợ start-up của chính phủ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp PMI Quý 2/2021 tuy sụt giảm so với Quý 1/2021 nhưng vẫn dao động đều quanh mức khả quan trên 50 điểm, thể hiện sự ổn định về các tiêu chí sản lượng, đơn đặt hàng, xuất khẩu và việc làm của khu vực công nghiệp Singapore  (tháng 6 ghi nhận mức gia tăng nhẹ trở lại so với tháng 5 do tình hình Covid và thắt chặt các biện pháp giãn cách, đặc biệt là PMI trong lĩnh vực điện tử tăng 0.3 điểm). Tăng trưởng công nghiệp giữ mức cao, nhờ vậy đã kéo thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của công dân giảm liên tục trong suốt 6 tháng đầu năm, từ 4.3% vào tháng 1 xuống 3.8% tháng 6/2021. Tỷ lệ thất nghiệp tổng thể của Singapore cũng giảm từ 3.2% hồi tháng 1 xuống 2.8%.

Trong Quý 2/2021, xuất khẩu của Singapore vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ có sụt giảm so với dự báo (8% vs 8.8%). Tăng trưởng mạnh nhất vẫn là nhóm mặt hàng điện tử. máy móc và hóa chất, Xuất khẩu của Singapore giữ mức tăng trưởng tốt vào các thị trường: Trung Quốc, Hongkong, Malaysia; trong khi đó, suy giảm ở các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Dự báo xuất khẩu cả năm 2021 của Singapore sẽ tăng trưởng từ 1-3% (cao hơn mức dự báo trước đây là 0-2%).

Tăng trưởng Quý 2 đạt mức 14.3% so với cùng kỳ năm 2020 (suy thoái 13.3%); tuy nhiên, nếu so với Quý 1/2021, thực tế, kinh tế Singapore suy thoái 2%. So với cùng kỳ năm 2020, tất cả các khu vực của nền kinh tế đều giữ mức tăng trưởng cao, đặc biệt là xây dựng có sự phục hồi đầu tiên sau trong 1 năm suy thoái, Mức tăng trưởng của sản xuất, xây dựng và dịch vụ lần lượt là: 18.5%, 98.8%, 9.8%. Mặc dù khu vực sản xuất vẫn được coi là động lực chính của tăng trưởng (cơ khí chính xác, y sinh, điện tử, hóa chất, cơ khí vận tải…)., tuy nhiên, Quý 2 đã có sự suy giảm nhẹ 1.8% so với Quý 1/2021 (mặc dù vẫn trên đà tăng liên tục 7 tháng tính từ 11/2020). So với Quý 1/2021, xây dựng và dịch vụ cũng chịu tác động của các biện pháp giãn cách, do đó đã sụt giảm lần lượt là 11% và 1%.

Các động thái chính sách của Singapore trong Quý 2/2021 tiếp tục xoay quanh mối ưu tiên giải quyết các mối quan tâm của người dân (bảo vệ sức khỏe, việc làm và thu nhập); đồng thời tích cực tìm kiếm các hướng đi mới, đảm bảo tính cạnh tranh và an ninh của nền kinh tế và việc làm của người dân Singapore, cụ thể như sau:

Singapore tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp chịu tác động bởi các biện pháp giãn cách tăng cường. Gói hỗ trợ JSS 800 triệu sẽ được dùng để chi trả hỗ trợ lương và chi phí thuê mặt bằng của các cơ sở gyms, phòng tập thể thao, nghệ thuật, các trung tâm đào tạo và cơ sở ăn uống. Gói hỗ trợ này được bổ sung thêm 2.2 tỷ vào ngày 23/6 để tiếp tục hỗ trợ người lao động bị tác động do chính sách kéo dài giãn cách. Ngoài ra, đầu tháng 7/2021, Chính phủ cũng công bố bổ sung 1.2 tỷ đô la để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Các gói hỗ trợ này không phải huy động từ nguồn dự trữ trước đây mà từ việc phân phối lại chi tiêu ngân sách và từ nguồn đi vay nhà nước. Singapore cũng vừa thông qua Luật vay của Chính phủ để đầu tư Hạ tầng. Luật này vừa được thông qua hồi tháng 5/2021, cho phép Chính phủ có thể đi vay để tài trợ cho các dự án hạ tầng dài hạn (nhờ đó, 600 triệu trong khoản hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được điều chuyển từ nguồn vay cho sự án hạ tầng thoát nước và hành lang Bắc Nam). Đây là khoản vay Chính phủ đầu tiên từ 40 năm qua để chi trả cho các dự án hạ tầng và các biện pháp hỗ trợ Covid.  Đầu tháng 7 vừa qua, Singapore cũng vừa trình Nghị viện Đề xuất điều chỉnh phân bổ Ngân sách. Dự kiến trong 2021, Singapore sẽ thâm hụt khoảng 11 tỷ USD.

Để đảm bảo vị thế là trung tâm cảng biển lớn thứ 2 thế giới, với hơn 1/3 lượng hàng hóa trung chuyển qua địa bàn và để đối phó với tình trạng thiếu tàu biển, thiếu container do dịch bệnh, trong tháng 4/2021, Singapore đã khai trương ứng dụng số mang tên DigitalPORT@SG, cho phép giảm thời gian tàu nằm đợi tại cảng (và giảm phát thải khí carbon). Khoảng 2000 doanh nghiệp vận tải sẽ được hưởng lợi từ ứng dụng này, cho phép các tàu khi cập cảng Singapore có thể giảm thời gian chờ ít nhất 1 ngày so với hiện nay. Ứng dụng cho phép điều phối, lập kết hoạch và phân bổ tối ưu các nguồn lực tại cảng. Ngoài ra, Chính phủ Singapore tiếp tục dành nhiều khoản tài trợ để nghiên cứu các giải pháp xử lý các thách thức trong lĩnh vực vận tải hàng hải; và tài trợ để đào tạo, nâng cao năng lực, tiếp cận số hóa cho công nhân cảng và nhân lực hàng hải. Nhờ các nỗ lực kỹ thuật và cam kết đảm bảo vận hành cảng biển trong mọi tình huống, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng container qua Singapore đã tăng 4.6% so với 2020 và thậm chí tăng 3.9% so với 2019 (trước dịch), bất chấp tình hình gián đoạn, ách tắc, sụt giảm tại các cảng biển khác.

Trong Quý 2/2021, Singapore tiếp tục đẩy mạnh những nỗ lực đàm phán nhằm mở cửa lại giao thông quốc tế và đảm bảo chuỗi cung ứng. Singapore đã nỗ lực thương thảo với nhiều đối tác như Hongkong, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản… về việc công nhận chứng chỉ vaccine lẫn nhau để tiến hành mở cửa hàng không (làn xanh hoặc bong bóng đi lại an toàn). Trong chuyến thăm của Thủ tướng Úc và của ngoại trưởng Hàn Quốc hồi đầu tháng 6, Singapore đã thảo luận với Úc và Hàn Quốc về khả năng sớm nối lại đường bay thương mại giữa các bên. Trước đó, trong tháng 5/2021, hai Thủ tướng Singapore – Malaysia và Ngoại trưởng hai nước đã có cuộc gặp và thảo luận khả năng mở cửa lại biên giới giữa hai nước vào tháng 7/2021.

Bên cạnh đó, Singapore cũng đẩy mạnh các cam kết kinh tế đã có với các đối tác và tiếp tục nỗ lực ký kết, đàm phán các Hiệp định thương mại tự do và kinh tế số mới. Trong tháng 4/2021, Ủy ban hỗn hợp Kết nối chiến lược Singapore – Trung Khánh đã họp trực tuyến để xác lập lộ trình hợp tác giai đoạn 2021-2025 với tầm nhìn 2035 với các trụ cột: dịch vụ tài chính, hàng không, vận tải, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông. Trong khuôn khổ Kết nối Singapore – Trùng Khánh, Singapore và Trung Quốc đã cùng đưa ra sáng kiến  Hành lang thương mại quốc tế hàng hải và lục địa. Cuối tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị về hợp tác Hành lang và con đường, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore cũng đánh giá sáng kiến Hành lang hàng hải và lục địa này là rất quan trọng để tăng cường kết nối khu vực và chuyển hướng chuỗi cung cầu toàn cầu thông qua con đường vận chuyển đa phương tiện.

Trong tháng 6/2021, Singapore cũng vừa công bố sẽ ký FTAs vào cuối năm nay với Liên minh Thái Bình Dương (Peru, Chile, Columbia, Mexico). Mạng lưới các FTAs hiện  nay đã cho phép Singapore trở thành trung tâm thuận lợi nhất ở Đông Nam Á cho các nhà sản xuất và thương mại dịch vụ đến kinh doanh, đầu tư để làm bàn đạp ra khu vực. Các FTAs sắp tới được Singapore chú trọng để đi sâu vào các nội dung cụ thể như: thương mại điện tử, thanh toán điện tử, ngân hàng số… với các đối tác lớn nhằm mở ra thêm các cơ hội cho doanh nghiệp Singapore. Đến nay, Singapore đã có Hiệp định đối tác kinh tế số với Úc, New Zealands và Chi lê; đang đàm phán với Hàn Quốc; vừa bắt đầu đàm phán với Anh vào cuối tháng 6/2021 và đã đề xuất đàm phán với EU, Canada về hợp tác kinh tế số. Trong chuyến thăm vừa qua đến Việt Nam của Ngoại trưởng Singapore, Singapore cũng đã đề xuất ký kết Hiệp định đối tác số với Việt Nam – là hiệp định đầu tiên trong ASEAN dưới hình thức này.

THƯƠNG VỤ VIỆT NAM TẠI SINGAPORE

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]