Ngày 7/2/2020, Bộ Y tế Singapore (MOH) đã nâng cảnh báo lên cấp độ da cam sau khi số ca nhiễm Corona tăng lên và phát hiện có các trường hợp lây nhiễm không rõ nguồn gốc. Theo đó, dịch bệnh Corona tại Singapore được cho là đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng. Đến thời điểm ngày 11/2/2020, Singapore đã có 45 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó, số ca lây nhiễm thứ cấp giữa những người sở tại (không liên quan trực tiếp đến Hồ Bắc) đã vượt quá số ca có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trước tình hình dịch bệnh, một số hiệu ứng kinh tế tiêu cực ở sở tại đã ngay lập tức phát sinh:
Về tâm lý tiêu dùng: Ngay lập tức, người dân Singapore đổ xô đi mua sắm, tích trữ, khiến các siêu thị quá tải, cạn hoặc hết một số mặt hàng, nhu yếu phẩm cơ bản như gạo, đồ ăn sẵn hoặc đóng hộp, giấy vệ sinh, các loại nước sát khuẩn, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn và gây ra tâm lý hoang mang trong xã hội. Các siêu thị đã phải áp đặt lệnh hạn chế mua sắm, theo đó, mỗi người dân chỉ được mua 4 bịch giấy các loại, 2 túi gạo, 4 túi mì ăn liền và không giá 50SGD tiền rau. Bộ trưởng Công Thương Chan Chun Sing, ngoài bài viết trên facebook cá nhân, trong sự kiện tại Jurong ngày 9/2/2020 đã khẳng định Singapore đủ hàng dự trữ phục vụ người dân và cho biết Bộ Công Thương đang liên hệ chặt chẽ với các đơn vị cung cấp hàng hóa để đảm bảo đủ nguồn cung. Thủ tướng Lý Hiển Long, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Ng Chee Meng, Lãnh đạo Đảng Lao động Pritam Singh và đại diện các hệ thống siêu thị cũng lên tiếng trấn an người dân; khẳng định các siêu thị đủ hàng dự trữ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của người dân và kêu gọi mọi người không mua quá nhiều hàng để dự trữ. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cam kết Chính phủ sẽ nỗ lực bằng các biện pháp quyết liệt nhất để kiềm chế và khống chế dịch bện và mong muốn người dân Singapore bình tâm, không hoảng loạn, gây mất hình ảnh của Singapore.
Tác động về du lịch: Cơ quan du lịch Singapore cũng đưa ra dự báo số khách du lịch sẽ giảm khoảng 25-30% so với năm trước (lớn hơn con số 19% sụt giảm năm 2003 khi Sars diễn ra tại nước này). Hiện nay, mỗi ngày Singapore ghi nhận sụt giảm khoảng 18-20.000 khách quốc tế do hàng loạt sự kiện hội thảo, hội chợ bị hoãn hoặc hủy. Bên cạnh việc nguồn khách Trung Quốc mất đi, một số nước cũng đưa ra cảnh báo hạn chế đến Singapore (Qatar, Koweit…); một số nước khác có kiểm tra, phân loại chặt chẽ khách đến từ Singapore.
Tác động về sản xuất-xây dựng: Nhiều lĩnh vực ngành nghề của Singapore sử dụng lượng lao động người Trung Quốc lớn đều bị ảnh hưởng do lao động Trung Quốc hiện tạm thời bị hạn chế quay trở lại Singapore làm việc hoặc nếu đã quay trở lại Singapore phải tuân thủ triệt để chế độ cách ly. Bộ Nhân lực Singapore (MOM) (8/2/2020) thông báo, mọi lao động nước ngoài có thị thực làm việc tại Singapore bắt buộc phải có sự chấp thuận của MOM trước khi có thể nhập cảnh hoặc quay trở lại Singapore làm việc. MOM giám sát việc tuân thủ quy định này của các lao động nước ngoài có thị thực làm việc tại Singapore bằng cách liên tục kiểm tra theo xác suất ngẫu nhiên thông qua việc thanh kiểm tra, kiểm tra trực tiếp bằng các cuộc gọi thoại hình ảnh. Bộ Nhân lực Singapore (MOM) (9/2) quyết định hủy bỏ thị thực của 4 lao động nước ngoài và cấm vĩnh viễn không bao giờ được tới Singapore làm việc, đồng thời xóa bỏ ưu đãi đối với 6 chủ sử dụng lao động tại Singapore, cấm không được phép thuê lao động nước ngoài trong vòng 2 năm, sau khi MOM phát hiện 4 lao động nước ngoài này vẫn đi làm trong thời gian yêu cầu phải cách ly bắt buộc.
Bên cạnh việc thiếu hụt lao động, nhiều chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn do thiếu nguồn hàng/vật liệu từ Trung Quốc (chiếm 14% lượng hàng hóa nguyên liệu sơ chế xuất khẩu và chiếm 5% tổng lượng hàng hóa nguyên liệu sơ chế nhập khẩu của Singapore), khiến cho hoạt động sản xuất bị đình trệ hoặc triển khai cầm chừng, đặc biệt là các nhà máy sản xuất điện thoại, ô tô… Để thay đổi, tìm nhà cung cấp mới, sẽ mất nhiều thời gian và chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, xuất khẩu của Singapore cũng lệ thuộc đáng kể vào thị trường Trung Quốc (17%), vì vậy, việc thị trường Trung Quốc đình trệ, đóng cửa cũng ành hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất xủa Singapore. Trong thời gian tới, việc đình trệ sản xuất, giao hàng chậm hoặc không sản xuất đủ theo đơn đặt hàng sẽ còn ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác như vận tải hàng hóa, thương mại bán lẻ (ngoại trừ thương mại điện tử).
Các lĩnh vực khác của nền kinh tế như ngân hàng, địa ốc, dịch vụ tư vấn, dịch vụ ăn uống cũng dự báo đều chịu tác động tiêu cực từ tình hình dịch bệnh. Các giao dịch trong bối cảnh dịch bệnh đều giảm. Hiện nay, Singapore được đánh giá là một trong những nền kinh tế chịu tác động nặng nề nhất do dịch cúm Corona. Vì vây, căn cứ vào số liệu hồi dịch SARS trước đây để tham khảo, OCBC ước tính rằng tăng trưởng của Singapore sẽ giảm về 0.5%-1% nếu đại dịch kéo dài từ 3 đến 6 tháng. OCBC cũng dự báo mức tăng trưởng về sản xuất sẽ giảm 1.5% còn trong lĩnh vực dịch vụ sẽ không có tăng trưởng, thậm chí suy thoái trong năm nay.
Để đối phó tình hình dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế, Singapore đã ngay lập tức đưa ra gói cứu trợ cho một số ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nCorona: gói cứu trợ cho các doanh nghiệp ngành du lịch, vận tải, hàng không, lưu trú… Dự kiến, định hướng ngân sách 2020 dành cho doanh nghiệp công bố ngày 18/2/2020 cũng sẽ có những điều chỉnh tức thời để đối phó với các tác động bất định của dịch cúm Corona, trong đó, ưu tiên các gói cứu trợ cho các ngành nghề dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.