Xuất nhập khẩu Singapore, tình hình thị trường cần nắm tháng 4/2022

10800
  1. Tình hình XNK của Singapore trong tháng 04/2022:

1.1 Tổng quan:

Trong tháng 4/2022, tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt hơn 116,6 tỷ SGD, tăng 21,78%, trong đó XK đạt hơn 60,4 tỷ SGD, tăng 19,45% và NK hơn 56,18 tỷ SGD, tăng 24,38% so với tháng 4/2021.

Trong kim ngạch hàng XK, hàng hoá có xuất xứ từ Singapore đạt hơn 28 tỷ SGD (tăng 24,62%) và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 đạt hơn 32 tỷ SGD (tăng 15,21%), chiếm lần lượt 47,02% và 52,98% tổng kim ngạch XK.

Bảng 1: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Thế giới trong tháng 4 năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
  Hạng mục T04/2021 T04/2022 Tăng, giảm (%)
1 Xuất nhập khẩu 95,761,443 116,614,945 21.78
2 Xuất khẩu 50,591,895 60,432,424 19.45
3 Nhập khẩu 45,169,547 56,182,522 24.38
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 22,801,896 28,416,579 24.62
5  + Hàng tái xuất đi nước thứ ba 27,789,999 32,015,844 15.21

Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt gần 439,7 tỷ SGD, tăng 21,08%, trong đó XK hơn 230 tỷ SGD (tăng 19,01%) và NK là 209,3 tỷ SGD (tăng 23,45%).

Bảng 2: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Thế giới trong 4 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
  Hạng mục 4T/2021 4T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Xuất nhập khẩu 363,137,302 439,691,208 21.08
2 Xuất khẩu 193,627,038 230,429,674 19.01
3 Nhập khẩu 169,510,264 209,261,534 23.45
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 87,739,842 106,851,832 21.78
5  + Hàng tái xuất đi nước thứ ba 105,887,195 123,577,842 16.71

 

Kim ngạch XNK trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì đà tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Đây là xu hướng được dự báo từ trước khi Singapore gần đây liên tục thực hiện chính sách nới lỏng quản lý biên giới và thích ứng, sống chung với covid-19. Hơn nữa, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được gỡ bỏ, cộng hưởng với các biến động kinh tế do tác động của chiến tranh Nga và Ukraine khiến cho vai trò vị trí trung tâm thương mại trung gian của Singapore được hưởng lợi lớn.

1.2 Với 15 đối tác thương mại lớn:

Trong 4 tháng đầu năm 2022 (so với cùng kỳ 2021), kim ngạch NXK của Singapore với 15/15 đối tác có kim ngạch thương mại lớn nhất (chiếm khoảng 80,24% kim ngạch XNK của Singapore với thế giới) tăng trưởng dương, hầu hết ở mức 2 con số như United Arab Emirates (tăng 71,79%), Hàn Quốc (tăng 35,56%), Đài Loan (tăng 32,11%), Thái Lan (tăng 38,96%), Indonesia (tăng 28,33%), Mỹ (tăng 28,13%), Ấn Độ (tăng 21,12%)…Trung Quốc, Malaysia và Đài Loan là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12, tăng 18,22%.

Bảng 3: Thống kê thương mại hai chiều của Singapore với 15 đối tác lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
TT Đối tác 4T/2021 4T/2022 Tăng, giảm (%)  
1 Trung Quốc 49,779,341 54,472,394 9.43  
2 Malaysia 42,349,408 48,019,506 13.39  
3 Mỹ 33,187,469 42,523,155 28.13  
4 Đài Loan 29,815,947 39,389,364 32.11  
5 Hong Kong 26,378,640 28,069,410 6.41  
6 Indonesia 18,684,498 23,977,771 28.33  
7 Hàn Quốc 16,689,911 22,624,438 35.56  
8 Nhật Bản 17,131,126 21,206,926 23.79  
9 Thái Lan 10,211,555 14,189,786 38.96  
10 Australia 8,309,353 10,981,643 32.16  
11 Ấn Độ 8,758,604 10,608,182 21.12  
12 Việt Nam 8,626,548 10,198,064 18.22  
13 United Arab Emirates 5,848,840 10,047,896 71.79  
14 Phillipines 7,384,879 8,638,856 16.98  
15 Đức 7,040,628 7,870,191 11.78  

Về nhập khẩu: Các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, United Arab Emirates, Thái Lan, Pháp… Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Singapore (đứng thứ 19/20). Mức tăng trưởng nhập khẩu của Singapore trong nhóm 20 thị trường lớn này khá cao cao, 17/20 thị trường tăng trưởng dương như United Arab Emirates (tăng 87,76%), Thái Lan (tăng 85,83%), Saudi Arabia (tăng 72,84%), Hàn Quốc (tăng 72,75%… Đài Loan soán ngôi Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 4 tháng đầu năm, với kim ngạch gần 27,8 tỷ SGD, tăng 38,28%. Tiếp theo sau là Malaysia (thứ 2) và Trung Quốc (thứ 3). Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường có mức tăng nhập khẩu khá cao, khoảng 27,8%.

Bảng 4: Thống kê nhập khẩu của Singapore với

20 đối tác lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2022

 
(Đơn vị: nghìn SGD, %)  
STT Đối tác 4T/2021 4T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Đài Loan 20,092,471 27,782,993 38.28
2 Malaysia 23,386,433 26,357,592 12.70
3 Trung Quốc 23,731,997 23,978,642 1.04
4 Mỹ 16,764,748 21,308,734 27.10
5 Hàn Quốc 8,098,974 13,991,237 72.75
6 Nhật Bản 9,589,891 11,648,113 21.46
7 Indonesia 6,449,232 8,253,266 27.97
8 United Arab Emirates 4,008,434 7,526,234 87.76
9 Thái Lan 3,363,388 6,250,034 85.83
10 Pháp 5,065,969 5,344,670 5.50
11 Đức 4,090,984 4,655,092 13.79
12 Saudi Arabia 2,562,655 4,429,405 72.84
13 Phillipines 3,325,157 4,225,249 27.07
14 Thuỵ sỹ 4,298,956 4,208,065 -2.11
15 Ấn Độ 3,020,372 4,073,680 34.87
18 Australia 3,656,730 3,641,923 -0.40
16 Anh 3,179,872 3,494,931 9.91
17 Brazil 1,357,852 2,606,455 91.95
19 Việt Nam 1,928,504 2,464,637 27.80
20 Ý 2,145,202 2,103,478 -1.94

Về xuất khẩu: Các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore. Đáng chú ý, có tới 19/20 thị trường xuất khẩu của Singapore tăng trưởng dương, đa phần ở mức 2 con số như Bangladesh (tăng 76,44%), Australia (tăng 57,75%), Bỉ (tăng 46,92%… Các thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia tăng lần lượt là 17,07%, 6,52% và 14,23%.

Bảng 5: Thống kê xuất khẩu của Singapore với

20 đối tác lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2022

(Đơn vị: nghìn SGD, %)
STT Đối tác 4T/2021 4T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Trung Quốc 26,047,344 30,493,753 17.07
2 Hong Kong 24,972,159 26,600,523 6.52
3 Malaysia 18,962,975 21,661,914 14.23
4 Mỹ 16,422,721 21,214,421 29.18
5 Indonesia 12,235,266 15,724,505 28.52
6 Đài Loan 9,723,476 11,606,371 19.36
7 Nhật Bản 7,541,235 9,558,812 26.75
8 Hàn Quốc 8,590,937 8,633,200 0.49
9 Thái Lan 6,848,167 7,939,752 15.94
10 Việt Nam 6,698,044 7,733,428 15.46
11 Australia 4,652,623 7,339,720 57.75
12 Ấn Độ 5,738,232 6,534,502 13.88
13 Hà Lan 4,075,789 4,990,264 22.44
14 Philippines 4,059,722 4,413,607 8.72
15 Bỉ 2,602,765 3,823,996 46.92
18 Đức 2,949,644 3,215,099 9.00
16 Campuchia 4,187,326 2,895,506 -30.85
17 United Arab Emirates 1,840,406 2,521,662 37.02
19 Bangladesh 1,405,406 2,479,712 76.44
20 Panama 1,824,976 2,286,722 25.30

1.3 Theo ngành hàng:

Về XK: Trong tháng 4/2022, 16/21 ngành hàng XK chủ lực của Singapore ra thế giới tăng, góp phần đưa cán cân thương mại XK tăng trưởng khá cao; 5/6 nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch trên 2 tỷ SGD, tăng trưởng tốt, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (21,6 tỷ SGD, tăng 22,13%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (9,9 tỷ SGD, tăng 12,24%), xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (8,2 tỷ SGD, tăng 68,15%), bưu phẩm (3,8 tỷ SGD, tăng 54,7%) và máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, nhạc cụ và phụ kiện (2,5 tỷ SGD, tăng 10,24%)… Có 5/21 nhóm ngành hàng XK tăng trưởng âm gồm ngọc trai, đá quý và các sản phẩm kim hoàn (giảm 26,09%), nhựa và sản phẩm từ nhựa (giảm 0,23%), nước hoa, mỹ phẩm (giảm 0,9%), rượu, đồ uống (giảm 1,91%)…

Về NK: Trong tháng 4, cùng với đà tăng XK, kim ngạch nhập khẩu của Singapore tiếp tục tăng rất cao, 19/21 nhóm ngành hàng NK lớn nhất tăng trưởng dương, đáng lưu ý một nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch NK tăng trưởng tốt, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ tùng (18,2 tỷ SGD, tăng 23,04%), xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (13 tỷ SGD, tăng 47,13%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ tùng (7,1 tỷ SGD, tăng 8,12%… Một số nhóm ngành hàng NK tăng trưởng âm như nước hoa, mỹ phẩm (giảm 5,28%) và bưu phẩm (giảm 20,07%).

  1. Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore:

Trong tháng 4, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 2,7 tỷ SGD, tăng 20,16% so với cùng tháng của năm 2021, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 821,3 triệu SGD, tăng 58,79% và NK từ Singapore vào Việt Nam khoảng hơn 1,2 tỷ SGD, tăng 8,88%.

Trong hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá xuất xứ Singapore, đạt 713,6 triệu SGD, tăng 50,15% và hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam đạt 1,2 tỷ SGD (chiếm 63%), giảm 6,26%.

Nếu tính cả 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XNK 2 chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 10,2 tỷ SGD, tăng 18,22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó XK đạt hơn 2,4 tỷ SGD, tăng 27,8% và NK khoảng 7,7 tỷ, tăng 15,46%.

Bảng 6: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
giữa Việt Nam và Singapore trong 4 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị tính: nghìn SGD, %)
STT Hạng mục 4T/2021 4T/2022 Tăng, giảm (%)  
1 Xuất nhập khẩu 8,626,548 10,198,064 18.22  
2 Xuất khẩu 1,928,504 2,464,637 27.80  
3 Nhập khẩu 6,698,044 7,733,428 15.46  
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 1,700,082 2,321,751 36.57  
5  + Hàng tái xuất từ nước thứ ba 4,997,961 5,411,676 8.28  

 

Xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Singapore:

Trong tháng 4/2022, cùng chiều với đà tăng khá tốt trong cán cân kim ngạch XNK hàng hoá giữa Singapore và Việt Nam, kim ngạch XK hàng hoá từ VN sang Singapore tăng lớn, khoảng 58,79%. Có tới 18/21 nhóm ngành hàng XK tăng trưởng dương, một số nhóm ngành hàng tăng trưởng với mức rất cao như ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (tăng 15063,12%), sắt thép (tăng 2367,39%), muối, lưu huỳnh, đất đá và thạch cao, vôi (tăng 512,95%), gỗ và sản phẩm đồ gỗ (tăng 290,7%)… Một số nhóm ngành hàng XK khác tăng trưởng âm như xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (giảm 69,03%), gạo và ngũ cốc (giảm 32,01%) và giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 14,76%).

Nhập khẩu hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam:

Tháng 4 cũng chứng kiến sự tăng trưởng lớn từ kim ngạch NK hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam. Trong xu hướng này, hàng hóa trung gian qua Singapore nhập vào Việt Nam lại suy giảm trong khi hàng hóa xuất xứ Singapore lại tăng mạnh. Trong 21 nhóm ngành NK chủ lực, có tới 9/21 nhóm ngành hàng suy giảm, trong đó có nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch NK là máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (kim ngạch 765,9 triệu SGD, giảm 12,55%); các nhóm ngành hàng NK khác suy giảm như nước hoa, mỹ phẩm (giảm 12,96%), hóa chất (giảm 6,38%), máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện (giảm 27,89%), thuốc lá và nguyên liệu thay thế (giảm 49,93%), giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 28,41%), rượu và đồ uống (giảm 29,22%)… 12/21 nhóm ngành hàng còn lại tăng trưởng dương, một số tăng trưởng khá cao như sắt thép (tăng 369,41%), công cụ cắt bằng kim loại và phụ kiện (tăng 222,91%), xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 188,19%), giầy dép các loại (tăng 157,27%), ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (tăng 145.96%)…

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]