RCEP: Cơ chế đã kết nối, DN cần nhiều thay đổi để phát huy lợi thế

25145

Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)  bản tổng hợp đầy đủ nhất thỏa thuận kinh tế toàn diện đa phương cao nhất đầu tiên ở châu Á. Tuy nhiên, để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội thành công, các DN cần phải có những nước đi đúng đắn, quyết liệt.

P hợp “sở trường” DN Việt

RCEP được ký kết (15/11/2020) giữa 15 nước châu Á gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Đây vừa là khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực đầu tiên ở châu Á chiếm 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu, vừa là nền tảng mới thúc đẩy kết nối nội khối chưa từng có trong tiền lệ.

Hiệp định bước đầu tính đến thực tiễn thương mại mới nổi và có nhiều thay đổi, thương mại điện tử, tiềm năng DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, sự phát triển sâu rộng chuỗi giá trị khu vực…

Xu hướng loại bỏ hàng rào thuế quan và bảo hộ khác được thực hiện không quá nhanh so với các hiệp định thương mai tự do thế hệ mới khác mà Việt Nam đã ký kết. Thêm vào đó, RCEP cũng kế thừa các nguyên tắc mới của chính sách thương mại như “chọn bỏ”, “nguyên trạng” hay “chi tiến không lùi” trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được vận dụng trong RCEP. Nghĩa là RCEP là thể chế cập nhật nhất hiện tại phù hợp với điều kiện phát triển chung của các nước thành viên cũng như lấp đầy các khuyết thiếu hoặc chưa cập nhật trong thể chế thương mại chung của 15 nước thành viên. Có thể nói, đây là bản tổng hợp đầy đủ nhất về các thỏa thuận thương mại, giảm thiểu sự tụt hậu thể chế, lấp kín các khoảng trống thể chế và gợi ý coi trọng nhiều hơn đến khai thác tiềm năng to lớn của khu vực. Nhờ những đặc điểm của mình, RCEP có thể giúp bổ sung động lực để DN và cả nền kinh tế củng cố lực lượng, đánh giá lại nguồn lực và thu hút nguồn lực mới để tạo bước phát triển mới cao hơn trên thị trường quy mô lớn. 

Đối tác quen thuộc

Nếu điểm lại, hầu hết các thành viên RCEP đều là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện khá “quen mặt”của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam-Trung Quốc có quan hệ hợp tác đối tác toàn diện, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc có quan hệ đối tác chiến lược và các thành viên ASEAN có quan hệ đối tác với Việt Nam…

Hơn nữa, các cam kết không quá cao của RCEP như quy định thời hạn thực hiện cam kết không quá ngắn, đối xử đặc biệt và khác biệt với các nước kém phát triển như Campuchia, Lào, Myanmar có hàm ý tạo điều kiện để các giao dịch thương mại, đầu tư giữa các thành viên gia tăng với nhịp độ vừa phải, giảm thiểu rủi ro do các cú sốc bên ngooài.

RCEP bao quát mọi lĩnh vực và tác động bao trùm mọi thành viên thuộc mọi trình độ và quy mô cho nên sẽ không một thành viên nào “bị bỏ lại phía sau”. Các nước có trình độ phát triển thấp như Campuchia, Lào, Myanmar, hay nhỉnh hơn một chút là Việt Nam đều có cơ hội tham gia vào các quan hệ đối tác kinh tế chiến lược. Nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt được áp dụng với các nước này làm tăng cao lòng tin vào cam kết khu vực.

Sự bổ sung lẫn nhau giao dịch thương mại và đầu tư giữa các thành viên có trình độ phát triển khác nhau tạo điều kiện hình thành cơ cấu kinh tế mới và để mỗi thành viên phát huy hiệu quả nhất lợi thế so sánh thấp, vừa và cao nhằm thu lợi ích tương xứng. Mô hình tăng trưởng sâu được tiếp thêm động lực để vận hành. 

Trước mắt, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế so sánh cao mặt hàng sử dụng nhiều lao động chi phí thấp, các mặt hàng nông sản, dệt may, hàng công nghiệp điện tử và linh kiện cho nên cơ hội gia tăng xuất khẩu rất lớn. Việt Nam có khoảng 90% DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên có cơ hội lớn để phát triển lực lượng DN. Bên cạnh đó, các DN hay tập đoàn quy mô lớn cũng có cơ hội mở rộng mạng lưới hoạt động thương mại và đầu tư sang các nước trong RCEP.

Phải nâng thế mạnh một số ngành hàng mới

Việt Nam đã có quy mô quan hệ thương mại và đầu tư rất lớn và có tính truyền thống với các nước thành viên RCEP. Vấn đề đặt ra là DN Việt cần xác định mình có thể tham gia được vào đâu trong chuỗi giá trị trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Một trong những thị trường quy mô lớn nhất trong RCEP là Trung Quốc khoảng 1,4 tỷ người tiêu dùng. Đây là thị trường mới nổi rất gần gũi với Việt Nam. RCEP sẽ mở đường để những cơ hội to lớn trong xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc xuất hiện. Những mặt hàng nông sản, lương thực (gạo), thực phẩm (thịt lợn, sữa) của Việt Nam có nhiều cơ hội. Nhưng cơ hội chỉ đến nếu DN đáp ứng đầy đủ yếu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật đều có thể xuất khẩu quy mô rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Tỉ trọng mặt hàng xuất khẩu quy mô lớn này sẽ tăng lên trong cơ cấu kinh tế. Lợi thế thương mại theo quy mô sẽ được phát huy ngoài kỳ vọng.

Trong khi đó, các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản coi trọng kết nối theo chuỗi giá trị trong mạng sản xuất khu vực cho nên những ngành công nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe, kết nối hiệu quả và bền vững với các đối tác sẽ mở rộng quy mô. Ngành công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị điện, điện tử, phương tiện vận tải hay dịch vụ logistics có triển vọng phát triển mạnh thậm chí vượt trội.

Đối với các đối tác khác trong ASEAN, Australia, New Zealand cần tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư dựa trên quan hệ hiện có cũng như tận dụng triệt để các cơ hội mới xuất hiện từ hiệp định với sự phát triển thương mại điện tử, cạnh tranh và sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các nước trong RCEP nên cũng cần tính tới các hàng rào bảo vệ người tiêu dùng và chuẩn bị các biện pháp phòng vệ để bảo đảm thương mại diễn ra công bằng.

Là lực lượng tiên phong chịu tác động trực tiếp và lâu dài từ RCEP, các DN Việt cần kịp thời nhận diện cơ hội, hiểu rõ thách thức để tạo giá trị mới cần được thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực. RCEP có đặc điểm là không đòi hỏi quá cao về các tiêu chuẩn so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết nhưng lại coi trong tính bền vững và kết nối chuỗi giá trị khu vực cho nên DN phải vừa nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, đầu tư cải thiện chất lượng mặt hầng truyền thống, vừa bảo đảm tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định xuất xứ, vệ sinh để hưởng triệt để ưu đãi.

Bên cạnh lựa chọn mặt hàng, các DN Việt cần có chiến lược phát triển thành một “đầu chờ” hiệu quả để sẵn sàng kết nối chuỗi với các DN trong RCEP.

Cơ hội mở rộng quy mô và tạo lợi thế quy mô mới nhờ thị trường RCEP đang mở ra cho hàng hóa và dịch vụ với DN Việt Nam, cho nên việc đầu tư mở rộng quy mô DN là cần thiết. Hơn nữa, bên cạnh những cơ hội, các DN cũng sẽ chịu sức ép cạnh tranh về các mặt hàng tương đồng lớn hơn, nên cần có chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh khi tham gia sân chơi này.

Việc mở rộng lợi thế quy mô và cải thiện năng lực cạnh tranh sẽ tạo điều kiện để tăng quy mô DN, kết nối chuỗi giá trị khu vực là tiền đề để hình thành các tập đoàn quy mô lớn của Việt Nam. Còn với các DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ được khuyến khích phát triển nên cần tận dụng nền tảng thương mại điện tử để sáng tạo giá trị, kết nối với các DN lớn trong nước và khu vực để hình thành quan hệ đối tác chiến lược, tận dụng nguồn lực từ đối tác để phát triển. Các DN cần theo phương châm tinh gọn quy mô nhưng gia tăng tối đa và liên tục giá trị.

RCEP có thể là phương tiện thu hút nhiều hơn giao dịch thương mại và đầu tư, mối quan tâm ngoài khu vực. Việt Nam có quan hệ với đối tác ngoài RCEP cho nên có thể tận dụng nguồn lực ngoài RCEP để cải thiện thực lực DN, tăng kết nối sâu.

Thường Lạng

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]