Cuộc chiến tiền tệ đằng sau lạm phát và câu chuyện của Singapore

47829

Tiếp sau đà tăng giá của SGD vào tháng Một năm nay, Cơ quan tiền tệ Singapore đã một lần nữa chủ động can thiệp vào tỷ giá hối đoái của đồng SGD ngoài các mốc thời gian bình thường.

Ngày 14/7, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) tuyên bố sẽ thắt chặt chính sách đối với đồng đô la Singapore (SGD), nâng tỷ giá hối đoái hiệu quả danh nghĩa (NEER) của đồng tiền này.

Singapore không thành lập ngân hàng trung ương, MAS đang thực hiện chức năng của một ngân hàng trung ương. Điều đáng quan tâm là MAS thường công bố báo cáo thuyết minh chính sách vào tháng Tư và tháng Mười hàng năm.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến nay, MAS đã bốn lần thắt chặt chính sách. Tiếp sau đà tăng giá của SGD vào tháng Một năm nay, MAS đã một lần nữa chủ động can thiệp vào tỷ giá hối đoái của đồng SGD ngoài các mốc thời gian bình thường. 

Dường như trong cùng thời gian, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều dồn dập hành động. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng Bảy, nhưng đang do dự giữa hai biên độ 75 điểm cơ bản hay 100 điểm cơ bản – mức cao nhất trong lịch sử.

Ngân hàng trung ương Canada cũng tiếp tục nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản sau hai lần tăng 50 điểm cơ bản trước đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Philippines, New Zealand… cũng đều lần lượt tuyên bố tăng lãi suất với mức độ kỷ lục.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu leo thang và đối diện với mối đe dọa suy thoái kinh tế hiện nay, ngân hàng trung ương các nước đang tiến hành một cuộc chiến tiền tệ để bảo vệ lợi ích của nước mình.

Trong thời đại toàn cầu hóa, vốn có thuộc tính theo đuổi lợi nhuận tự nhiên tìm kiếm cơ hội sinh lợi tốt trên phạm vi toàn cầu, trong giai đoạn thịnh vượng và mở rộng, các nước an toàn ổn định và có tiềm lực phát triển lớn có thể thu hút dòng vốn bên ngoài chảy vào.

Trong giai đoạn đình trệ hoặc suy thoái, các nước có giá trị tiền tệ ổn định và có thể mang lại lợi nhuận cao lại nhận được sự ưu ái của dòng vốn.

Tiền tệ đóng vai trò là “mỏ neo” đo lường thực lực kinh tế và mức độ thịnh vượng của các nước, trở thành công cụ chiến tranh kinh tế vào những thời điểm bất thường.

Cuối thập niên 1990, các nhà đầu cơ tài chính quốc tế chủ yếu dựa vào các quỹ dự phòng thông qua một loạt các cuộc tấn công vào thị trường chứng khoán, ngoại hối, tương lai khiến dự trữ ngoại hối tích lũy trong thời gian dài của nhiều quốc gia châu Á tan thành mây khói, kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Chính phủ các nước đều thận trọng và lo ngại khi đứng trước “con bão hoàn hảo” hiện nay, nên đã huy động tối đa các công cụ chính sách để tránh trở thành “vật hy sinh” của cuộc chiến tiền tệ.

Trước đó, quốc gia Nam Á Sri Lanka đã tuyên bố vỡ nợ do dự trữ ngoại hối cạn kiệt, không thể mua hàng hóa chiến lược như năng lượng… và mất khả năng trả nợ nước ngoài, điều này đã trực tiếp gây ra khủng hoảng chính trị và bất ổn quốc gia.         

Trụ sở Cơ quan tiền tệ Singapore. Ảnh: Reuters

Singapore là nền kinh tế nhỏ khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Kể từ khi thành lập đất nước đến nay, nước này luôn đề phòng các kịch bản xấu, nhất quán theo đuổi chính sách tài khóa “liệu cơm gắp mắm”, sau nỗ lực của nhiều thế hệ đã tích lũy được nguồn dự trữ tài chính quốc gia đáng kể, trở thành “hòn đá tảng” quan trọng nhất cho sự thịnh vượng và ổn định của đất nước.

Mặt khác, hưởng lợi từ tính hiệu quả cao của chính phủ, tố chất cao của người dân, cũng như sự hợp tác chặt chẽ của ba bên chính phủ, nhà đầu tư và người lao động, Singapore trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp nhất, tiếp tục duy trì sự mở cửa trong thời kỳ hậu dịch bệnh, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2022 của nước này đã tăng 4,8% so với cùng kỳ.          

Cũng chính vì vậy, Singapore có thể tương đối thoải mái và bình tĩnh trong cuộc chiến tiền tệ hiện nay so với ngân hàng trung ương các nước khác. MAS trước tiên đã lựa chọn phương án chính sách để cho đồng SGD mạnh lên.

Suy cho cùng, nâng lãi suất là “con dao hai lưỡi”, việc này sẽ khiến dòng tiền nóng trên thị trường sụt giảm, tiền quay vòng của doanh nghiệp căng thẳng, làm gia tăng khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế.

Là một nền kinh tế mở ứng phó với áp lực lạm phát, việc đồng SGD mạnh lên có thể phát huy hiệu quả tức thì. MAS nâng tỷ giá hối đoái của đồng SGD ít nhất 5%, tính theo tỷ lệ phần trăm hàng năm.

Lấy tỷ lệ lạm phát lương thực trong nước làm ví dụ, có thể duy trì ở mức bằng 1/5 tỷ lệ lạm phát lương thực toàn cầu. Hơn nữa, là một nền kinh tế ổn định, mở cửa và tự do, Singapore có thể tiếp tục duy trì lợi thế về dòng vốn ròng nước ngoài.   

Đúng như lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong tự tin phát biểu trước Quốc hội rằng, mặc dù đối diện với lạm phát toàn cầu, nhưng Singapore tin rằng sẽ không rơi vào suy thoái hoặc lạm phát đình trệ trong năm tới.

Ngay cả khi có những biến động hay cú sốc bất ngờ, Singapore vẫn có thể đánh giá được tình hình và có đủ công cụ chính sách, cũng như thực lực kinh tế để chuyển khủng hoảng thành cơ hội./.

BNEWS

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]