CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19 TẠI SINGAPORE

146653

Từ năm 2014, Singapore đã đưa ra chiến lược Quốc gia thông minh và chính thức từ 2017, xây dựng chiến lược ngân sách hàng năm để thúc đẩy chiến lược này. Dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình số hóa của các cơ quan nhà nước Singapore, giúp giảm thời gian đi lại, giảm tiếp xúc trực tiếp và giảm thanh toán tiền mặt, nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp Singapore. Cổng dịch vụ cấp phép 1 cửa dành cho doanh nghiệp (Go Business Licensing) tích hợp tất cả các dịch vụ cấp phép của toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước, từ giấy phép mở cửa hàng ăn, nhập khẩu gạo cho đến chứng chỉ Halal, sử dụng sản xuất thuốc nổ… Đối với các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ tài chính, Singapore cũng lập Cổng trợ cấp doanh nghiệp điện tử một cổng kết nối các hình thức hỗ trợ từ các cơ quan: Bộ tài chính, Bộ Công Thương và Chính phủ điện tử. Các doanh nghiệp chỉ cần điền form trên mạng và cung cấp các thông tin theo yêu cầu. Các cơ quan liên quan sau khi rà soát tính thích hợp của hồ sơ sẽ phê duyệt và ngân hàng sẽ tự động cắt tiền vào tài khoản doanh nghiệp.

Để chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, Singapore đã triển khai xây dựng hộ chiếu doanh nghiệp (Corp Pass). Tương tự như hộ chiếu cá nhân, hộ chiếu doanh nghiệp là công cụ định danh và truy cập của doanh nghiệp để tiếp cận 130 loại hình dịch vụ điện tử mà Nhà nước cung cấp. Singapore cũng xây dựng nền tảng Networked Trade Platform (NTP) dành riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và logistics công nghiệp. NTP giúp kết nối các cơ quan nhà nước với hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ để sử lý các vướng mắc, nhằm rút ngắn quy trình thủ tục thương mại, tiêu chuẩn hóa các thủ tục tài chính thương mại cho doanh nghiệp và cung cấp số liệu minh bạch cho các ngân hàng. Chính phủ Singapore đơn giản hóa bằng cách đưa tất cả các quy trình thủ tục thương mại lên nền tảng số, kết hợp các dịch vụ từ khu vực dịch vụ công đến khu vực tư nhân thành thông tin số hóa – ví dụ cấp phép, danh sách hàng hóa nhập khẩu, hóa đơn điện tử,…các hoạt động này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giảm chi phí cho các loại giấy tờ,.. (tương được 1/5 chi phí vận chuyển).

Ngoài ra, Singapore còn đẩy mạnh hỗ trợ các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Một loạt ứng dụng điện tử đã được ra đời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực: đào tạo chuyển đổi, khởi nghiệp số, nâng quy mô doanh nghiệp ra thế giới, ứng dụng công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước, triển khai thương mại điện tử và thanh toán điện tử, nghiên cứu ứng dụng…  Từ giữa năm 2020, để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa Singapore thích ứng với chuyển đổi số, Singapore đã phân bổ hơn 500 triệu SGD (tương đương hơn 352 triệu USD) hỗ trợ chương trình thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử cũng như các công cụ số nâng cao. Dịch bệnh đã tạo cơ hội thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Singapore, với các hình thức làm việc từ xa, dịch vụ trực tuyến và đặt đồ ăn trực tuyến; tổ chức các sự kiện trực tuyến,…Số ngân sách trên được hỗ trợ chuyển đổi số cho 3 nhóm chính: (1) chuyển đổi thanh toán điện tử cho các quán ăn tại trung tâm ăn uống, chợ ướt, quán cà-phê, căng-tin tại các khu công nghiệp, số hóa, đơn giản hình thức thanh toán và hóa đơn; (2) hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm và bán lẻ thực hiện hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử; (3) hỗ trợ các doanh nghiệp đã có năng lực số cơ bản mở rộng năng lực chuyển đổi số với các công cụ số nâng cao để tăng khả năng hội nhập.

Cùng với tham vọng làm chủ dữ liệu chuỗi cung ứng và cơ sở dữ liệu người bán/nhà sản xuất của các nước (ít nhất là các nước ASEAN), Singapore còn đẩy mạnh hỗ trợ các ngành hàng không[1] và vận tải hàng hải nhằm tiếp tục giữ vững vị thế trung tâm vận chuyển hàng hóa của thế giới và từ đó, giữ vững vị thế trung tâm thanh toán, tài chính, kho vận logistics toàn cầu, Chính phủ Singapore đã có hỗ trợ nhằm thiết lập những sàn giao dịch thương mại điện tử và sàn đấu giá hàng hóa trong các lĩnh vực ngành hàng khác nhau, với tham vọng trở thành những sàn giao dịch B2B đầu tiên và uy tín kết nối nhà sản xuất và nhà nhập khẩu/mua buôn toàn cầu.

Singapore cũng cố gắng kết nối thế mạnh số và thế mạnh trung tâm cảng biển của mình qua DigitalPORT@SG (Sáng kiến Cảng điện tử đưa ra hồi tháng 4/2021). Đây là Cơ chế một cửa điều tiết các giao dịch vận tải và hàng hải cho phép giảm thời gian tàu nằm đợi tại cảng (và giảm phát thải khí carbon).[2] Là trung tâm cảng biển lớn thứ 2 thế giới, với hơn 1/3 lượng hàng hóa trung chuyển qua địa bàn, ứng dụng số mang tên DigitalPORT@SG đã giúp đối phó với tình trạng thiếu tàu biển, thiếu container do dịch bệnh. Khoảng 2000 doanh nghiệp vận tải đã được hưởng lợi từ ứng dụng này, cho phép các tàu khi cập cảng Singapore có thể giảm thời gian chờ ít nhất 1 ngày so với hiện nay. Ứng dụng cho phép điều phối, lập kết hoạch và phân bổ tối ưu các nguồn lực tại cảng. Ngoài ra, Chính phủ Singapore tiếp tục dành nhiều khoản tài trợ để nghiên cứu các giải pháp xử lý các thách thức trong lĩnh vực vận tải hàng hải; và tài trợ để đào tạo, nâng cao năng lực, tiếp cận số hóa cho công nhân cảng và nhân lực hàng hải. Nhờ các nỗ lực kỹ thuật và cam kết đảm bảo vận hành cảng biển trong mọi tình huống, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng container qua Singapore đã tăng 4.6% so với 2020 và thậm chí tăng 3.9% so với 2019 (trước dịch), bất chấp tình hình gián đoạn, ách tắc, sụt giảm tại các cảng biển khác.

Singapore cũng đẩy mạnh đưa vào hoạt động các ngân hàng điện tử để nhanh chóng khai thác đối tượng khách hàng mới là các doanh nghiệp thương mại điện tử vừa và nhỏ của các nước trong ASEAN và khu vực châu Á-THái Bình Dương. Hiện nay, Cơ quan tiền tệ Singapore đã cấp phép cho 2 Ngân hàng điện tử, một là liên doanh Grab-Singtel và SEA. Ngoài ra, MAS cũng chọn ra 2 ứng viên để hoạt động như ngân hàng điện tử bán buôn là Ant Group (thuộc Alibaba) và liên doanh ba bên giữa Greenland Group, Linklogis Hongkong và Quỹ quản lý đầu tư Beijing.

Về hỗ trợ các start-up, Singapore hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thông qua chương trình Startup SG Founder programme, nhằm chớp các cơ hội và xu thế mới mà bối cảnh dịch bệnh đã tạo ra. Hiện nay, Singapore được xếp top 20 nước có hệ sinh thải khởi nghiệp thuận lợi nhất toàn cầu; cứ 13 công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á thì có 7 công ty lựa chọn Singapore. Các dự án khởi nghiệp được coi là nguồn xung lực mới, tiềm năng cho tăng trưởng của Singapore vì khả năng đi đầu trong sáng tạo và nhạy bén kinh doanh. Kinh nghiệm Singapore và thế giới cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng, một số không nhỏ các doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công và dẫn dắt thị trường. Bên cạnh những lĩnh vực công nghệ mới (công nghệ vật liệu, công nghệ y tế…), giáo dục và nông nghiệp và công nghiệp giải trí của tương lai đang là những lĩnh vực được đề xuất chú ý. Thừa nhận rằng các quỹ đầu tư đang ngày càng chặt chẽ và co cụm hơn trong bối cảnh hiện nay để đưa ra các quyết định, Singapore cho rằng chính lúc này, vai trò của Nhà nước càng phải thể hiện. Ngoài vai trò cung cấp vốn, Nhà nước đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra không gian khởi nghiệp, các “vườn ươm”, Nhà nước còn có thể tạo ra các cơ chế đối thoại và kết nối nhằm “huấn luyện”, dìu dắt, cung cấp thông tin giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu…

Singapore cũng tích cực tham gia hoặc đề xuất các sáng kiến thúc đẩy Vùng sản xuất ASEAN, Chuỗi cung ứng tích hợp ASEAN, Mạng lưới Logistics ASEAN, Mạng lưới vận chuyển ASEAN, ASEAN Connectivity… Singapore tin tưởng rằng sự thịnh vượng và mọi cơ hội của Singapore nằm ở chìa khóa năng lực kết nối đồng bộ này. Dù khủng hoảng có thể kéo dài, chừng nào Singapore còn có khả năng là trung tâm kết nối toàn cầu và khu vực về tài năng, thông tin, tài chính và pháp lý, vận tải hàng không và hàng hóa… chừng đó, Singapore sẽ có thể tiếp tục sự thịnh vượng của mình./.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Singapore

[1] Singapore đã có nhiều gói cứu trợ cho ngành hàng không (gần đây nhất là ngày 30/12/2020 với giá trị 874 triệu) để đảm bảo năng lực bay, sẵn sàng thiết lập Bong bóng đi lại an toàn giữa các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh.

[2] Trong năm 2020, Singapore đã có MOU với một số trung tâm cảng biển lớn của thế giới như Panama, Trung Quốc, Đan Mạch,… cam kết đảm bảo luồng trung chuyển cảng biển giữa đại dịch.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]