Điều chỉnh chính sách của Singapore để đối phó với tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

41959

Sau đúng một năm, kể từ dấu mốc tuyên bố của Tổng thống Mỹ trên trang Tweet của mình vào tháng 3/2018 về chiến tranh thương mại, các nước đã lần lượt có những nhận định về tác động và điều chỉnh chính sách. Khác với một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, Bộ Công Thương Singapore (MTI) nhận định căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có tác động tương đối hạn chế đến thương mại của Singapore. Thực tế, báo cáo xuất nhập khẩu của Singapore trong năm 2018 cho thấy nước này vẫn giữ tốc độ tăng trưởng trên 9%, trong đó, tốc độ tăng trưởng xuât khẩu đạt trên 10%.  Trong Quý I/2019, tốc độ tăng trưởng thương mại của Singapore còn được đánh giá khả quan hơn nữa. Tuy nhiên, ở góc độ tăng trưởng kinh tế và đầu tư, nước này cũng cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ có tác động tiêu cực. Mặc dù tăng trưởng vẫn đạt 3.5% trong năm 2018 nhưng MTI dự đoán một biên độ dao động lớn cho năm 2019 từ 1.5-3.5%. Theo đánh giá, thương mại song phương giữa Mỹ-Trung Quốc gián tiếp đóng góp khoảng 1.1% vào GDP của Singapore. Trong trường hợp xấu nhất nếu căng thẳng thương mại Mỹ Trung làm suy giảm lưu chuyển thương mại toàn cầu, làm mất lòng tin của người tiêu dùng và làm các nhà đầu tư, kinh doanh nghi ngại, dẫn đến một chu trình luẩn quẩn của các biện pháp trả đũa giữa các siêu cường kinh tế và sự sụt giảm thanh khoản toàn cầu, tăng trưởng của Singapore sẽ giảm dưới một nửa so với tốc độ tăng trưởng hiện nay. Tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc chủ yếu tập trung chủ yếu vào các ngành hướng vào xuất khẩu có liên quan đến chuỗi cung ứng Mỹ-Trung Quốc như là ngành điện tử và cơ khí chính xác.

Để làm giảm tác động xấu của xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc, chính phủ Singapore tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực doanh nghiệp nhằm tạo ra việc làm mới, tiếp cận các thị trường mới, bắt kịp các công nghệ thời đại. Ngân sách 2019 của chính phủ Singapore đặc biệt ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp SMEs, với cơ chế hỗ trợ trực tiếp (từ 50% lên đến 70%) các chi phí như đào tạo, tiếp cận thị trường, các hoạt động xúc tiến nghiên cứu, sáng tạo, giao thương qua Mạng lưới sáng tạo toàn cầu, các hoạt động nhằm tăng cường số hóa, tự động hóa và sử dụng công nghệ cao, và cả cơ chế hỗ trợ gián tiếp như giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lương tín dụng, tiếp cận tài chính, khấu trừ thuế ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, Singapore tiếp tục điều chỉnh Lộ trình chuyển đổi ngành ITMs trong đó Ủy ban kinh tế tương lai và các cơ quan ngoài chính phủ sẽ phối hợp để giám sát các biến động, trong đó có căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, để đảm bảo lộ trình chuyển đổi ngành của Singapore kịp thời. Ngoài ra, Singapore còn vừa cho ra đời Nền tảng thương mại kết nối là giao diện một cửa giúp các doanh nghiệp liên kết với các nhà cung cấp/hoặc thị trường khác nhằm đảm bảo cấu trúc chuỗi cung ứng cũng như nắm lấy các cơ hội từ các FTAs qua việc tiếp cận nhanh các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến thương mại. Singapore cũng nỗ lực để mở rộng mạng lưới các thỏa thuận tự do hóa nhằm tạo các cơ hội mới thay thế nguồn cung và tìm thị trường cho Singapore, nhằm giúp giảm thiểu tác động của xung đột thương mại.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]