Những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế

60205

Khu vực sản xuất, doanh nghiệp, vận tải có dấu hiệu tăng trở lại dù tác động từ Covid-19 vẫn khiến các chỉ số chính thấp hơn cùng kỳ.

Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm vẫn chưa thoát khỏi cảnh u ám khi hầu hết chỉ số quan trọng đều thấp so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu xét riêng tháng 5 – tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội – những nét tích cực đã xuất hiện với sự phục hồi của khu vực sản xuất, doanh nghiệp, du lịch…

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1%, mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. “Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp”, báo cáo của Tổng cục Thống kê viết.

Tuy nhiên, nếu tính riêng tháng 5, khu vực này đã tăng trở lại 11,2% so với tháng trước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại ngày 1/5 cũng tăng gần 1%. Kết quả này cũng trùng khớp với sự trở lại trong khu vực doanh nghiệp.

Cả nước có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng vừa qua, tăng 36% so với tháng 4. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng cao sau giai đoạn giãn cách xã hội. Trong tháng, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 33% so với tháng 4, số doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh có thời hạn giảm gần 20%.

%Các chỉ tiêu kinh tế tháng 5So với tháng 4 và so với cùng kỳ 2019So với tháng trướcSo với cùng kỳChỉ số sản xuấtcông nghiệpHoạt độngthương mại dịchvụDoanh thu bán lẻhàng hóaDoanh thu dịch vụlưu trú và ănuốngDoanh thu dịch vụkhácVận tải hànhkhách-50050100150

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index (PMI) đã tăng mười điểm trong tháng 5, đạt 42,7 điểm so với mức thấp kỷ lục 32,7 của tháng 4. Dù chưa trở lại trên 50 điểm – ngưỡng xác định sự mở rộng hay thu hẹp, con số này cũng cho thấy lĩnh vực sản xuất ít tiêu cực hơn trước.

Sự trở lại của hoạt động thường ngày cũng được phản ánh qua doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5 tăng gần 27% so với tháng 4. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt tăng 17%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gần 96%…

Một số chỉ tiêu khác cũng phản ánh nét tích cực như vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng mạnh nhất 5 năm, vận tải hành khách và hàng hóa cùng tăng ở mức hai con số.

Tuy nhiên, các mức tăng này hầu hết mới phản ánh sự phục hồi sau giai đoạn cách ly xã hội. Sở dĩ biên độ tăng đều ở ngưỡng cao, hai con số, bởi giai đoạn tháng 4 gần như nền kinh tế chững lại trong giai đoạn giãn cách nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Với con số tham chiếu ở mức thấp, việc tăng trưởng cao trở lại trong tháng 5 cũng là điều không khó lý giải. Dù vậy, nếu tính chung 5 tháng đầu năm, các chỉ số chính của nền kinh tế vẫn ở ngưỡng thấp hơn so với cùng kỳ. 

IHS Markit đánh giá, mặc dù chỉ số PMI của Việt Nam tháng 5 đã cao hơn, cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm nhẹ hơn, nhưng dữ liệu mới vẫn cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục ở mức tiêu cực. 

“Thành công của Việt Nam trong việc đưa đại dịch vào tầm kiểm soát cho phép nền kinh tế có thể bắt đầu chặng đường hồi phục. Tuy nhiên, dữ liệu PMI tháng 5 cho thấy con đường sẽ còn dài”, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nhận xét. “Quá trình tăng trưởng trở lại có thể diễn ra từ từ với sự hỗ rợ ít ỏi từ thị trường nước ngoài, ít nhất là trong tương lai gần, khi đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới”.

Nếu sản xuất công nghiệp và bán lẻ, dịch vụ là những gam màu sáng thì xuất nhập khẩu tiếp tục cho thấy sự khó khăn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính gần 197 tỷ USD, giảm 2,8%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính tiếp tục có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD.

“Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu”, Tổng cục Thống kê nhận xét.

Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều giải pháp quyết liệt trong điều hành, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây, tăng 4,39%. Tác động lớn nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng gần 11%, trong đó riêng thực phẩm tăng gần 14% do ảnh hưởng từ giá thịt lợn. 

MINH SƠN

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]