Tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2022

30446

Trong tháng 10/2022, tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt hơn 110,3 tỷ SGD, tăng 8,6%, trong đó XK đạt gần 57,04 tỷ SGD, tăng 6,3% và NK gần 53,3 tỷ SGD, tăng 11,1% so với tháng 10/2021.

Trong kim ngạch hàng XK, hàng hoá có xuất xứ từ Singapore đạt hơn 25,6 tỷ SGD (tăng 6,76%) và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 đạt hơn 31,4 tỷ SGD (tăng 5,99%), chiếm lần lượt 44,91% và 55,09% tổng kim ngạch XK của Singapore.

Tính cộng dồn lũy tiến 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt hơn 1.156,5 tỷ SGD, tăng 23,16%, trong đó XK gần 601,4 tỷ SGD (tăng 20,72%) và NK gần 555,13 tỷ SGD (tăng 25,92%).

Các số liệu thống kê cho thấy, mặc dù kim ngạch XNK của Singapore với thế giới trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì đà tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 nhưng có dấu hiệu chậm lại so với tháng 9/2022. Các nhân tố như tình trạng lạm phát, nguy cơ suy thoái, căng thẳng địa chính trị và xung đột tại Ukraine, đối đầu Mỹ – Nga, Mỹ – Trung Quốc bắt đầu tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới và kinh tế khu vực thể hiện qua số liệu về kim ngạch XNK của Singapore.

Đáng chú ý hàng nội địa sản xuất tại Singapore tiếp tục duy trì mức tăng cao hơn hàng tạm nhập tái xuất trong kim ngạch XK của nước này (trong 10 tháng đầu năm 2022, hàng hoá xuất xứ Singapore tăng 23,82%, cao hơn so với mức tăng 18,14% của hàng tạm nhập tái xuất).

1.2 Với 15 đối tác thương mại lớn (xét trong 10 tháng đầu năm 2022):

Trong 10 tháng đầu năm 2022 (so với cùng kỳ 2021), kim ngạch XNK giữa Singapore với 15/15 đối tác lớn nhất (chiếm khoảng 79,96% tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới) tăng trưởng dương, hầu hết ở mức 2 con số, một số đối tác duy trì mức tăng kim ngạch tương đối tốt như United Arab Emirates (tăng 49,39%), Indonesia (tăng 36,58%), Hàn Quốc (tăng 33,10%), Australia (tăng 32,25%), Thái Lan (tăng 30,76%), Mỹ (tăng 30,11%), Nhật Bản (tăng 25,84%), Malaysia (tăng 23,82%)… Trung Quốc, Malaysia và Mỹ là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với tổng kim ngạch thương mại đều trên 100 tỷ SGD, lần lượt là: 146 tỷ SGD, 129,5 tỷ SGD và 112,3 tỷ SGD. Về vị trí địa lý, có thể thấy, các đối tác thương mại lớn nhất của Singapore phân bổ đều trên khắp các châu lục, trọng tâm nhiều ở khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc), Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Philippines), châu Mỹ (Mỹ), châu Âu (Đức), Nam Á (Ấn Độ), Trung Đông (United Arab Emirates – UAE).

Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore, với kim ngạch TM hai chiều khoảng 26,72 tỷ SGD, tăng 23,42 %.

Về nhập khẩu: Trong 10 tháng đầu năm 2022, các thị trường nhập khẩu chính của Singapore vẫn là Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, United Arab Emirates, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ… Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore (đứng thứ 19/20). Mức tăng trưởng nhập khẩu của Singapore với nhóm 20 đối tác lớn này khá cao, 20/20 thị trường tăng trưởng dương với nhiều đối tác có mức tăng rất cao như Brazil (tăng 84,97%), Saudi Arabia (tăng 66.18%), Hàn Quốc (tăng 55.48%), Thái Lan (tăng 50.06%), United Arab Emirates (tăng 47.76%),… Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 10 tháng đầu năm, với kim ngạch 70,9 tỷ SGD, tăng 20,68%. Tiếp theo sau là Malaysia (thứ 2) và Đài Loan (thứ 3), với kim ngạch lần lượt là 69,1 tỷ SGD (tăng 17,46%) và 68,6 tỷ SGD (tăng 24,35%). Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường có mức tăng nhập khẩu (tức là xuất khẩu vào thị trường Singapore) khá cao, khoảng 35,25%, đạt hơn 6,5 tỷ SGD.

Về xuất khẩu: Trong  tháng đầu năm 2022, các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore. Đáng chú ý, cả 20/20 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Singapore tiếp tục giữ mức tăng trưởng dương, đa phần ở mức 2 con số, một số thị trường có mức tăng khá cao như Liberia (tăng 72,26%), Panama (tăng 54,74%), United Arab Emirates (tăng 54,32%), Campuchia (tăng 49,60%), Indonesia (tăng 41,60%), Australia (tăng 39,16%)… Các thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia tăng lần lượt là 2,31% (75,1 tỷ SGD), 2,22% (67,27 tỷ SGD) và 32% (60,4 tỷ SGD).

1.3 Theo ngành hàng (xét trong tháng 10/2022):

Về XK: Trong tháng 10/2022, 16/21 ngành hàng XK chính của Singapore ra thế giới tăng, góp phần đưa cán cân thương mại XK tăng trưởng  ở mức 8,6%. Đáng chú ý, trong số 6 nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực (kim ngạch trên 2 tỷ SGD) có 3 nhóm giữ được mức tăng trưởng khá tốt là lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (9,78 tỷ SGD, tăng 16,46%); xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (6,7 tỷ SGD, tăng 18,8%); bưu phẩm (3,9 tỷ SGD, tăng 57,59%); 1 nhóm gần như không tăng trưởng là ngọc trai, đá quý, sản phẩm kim hoàn (2,5 tỷ SGD, tăng 0,1%), 2 nhóm tăng trưởng âm là máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (19,64 tỷ SGD, giảm 0,11%) máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (2,37 tỷ SGD, giảm 4,82%). Một số nhóm ngành hàng khác có tỷ trọng trung bình (dưới 2 tỷ SGD) song tăng trưởng cao như hàng hóa hỗn hợp (tăng 135,68%), thức ăn và các sản phẩm chế biến (tăng 55,44%), các sản phẩm từ sắt thép (tăng 31,31%), cao su và sản phẩm từ hóa chất (tăng 29,02%)…  Ngoài 2 nhóm ngành chủ lực tăng trưởng âm, còn có thêm 3 nhóm ngành hàng có giá trị XK giảm là nhựa và sản phẩm từ nhựa (giảm 11,47%), dược phẩm (giảm 23,15%) và hóa chất (giảm 36,03%).

Về NK: Trong tháng 10/2022, 16/21 nhóm ngành hàng NK chính của Singapore từ thế giới tiếp tục tăng trưởng, khiến kim ngạch NK của nước này duy trì ở mức 2 con số, khoảng 11,14%. 5/6 nhóm ngành hàng NK chính (kim ngạch trên 1 tỷ SGD) duy trì mức tăng trưởng dương, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (16,78 tỷ SGD, tăng 1,69%); xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (10,68 tỷ SGD, tăng 15,84%); lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (8,68 tỷ SGD, tăng 25,39%); ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (3,51 tỷ SGD, tăng 30,64%); hóa chất (1,15 tỷ SGD, tăng 37,64%). Một số nhóm ngành hàng NK khác có tỷ trọng trung bình (dưới 1 tỷ SGD) song tăng trưởng cao như: thịt và nội tạng ăn được (tăng 45,78%), da, các sản phẩm từ da và túi du lịch các loại (tăng 41,17%); phương tiện tàu bay, tàu vũ trụ và các bộ phận (37,88%); đồng hồ, đồng hồ cá nhân và các bộ phận (tăng 37,26%). 5/21 nhóm ngành hàng NK tăng trưởng âm là máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (giảm 5,4%), các sản phẩm từ hóa chất (giảm 14,08%), sắt thép (giảm 5,21%), dầu thực động vật và chất béo  (giảm 5,16%).

  1. Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore:

Về tổng quan, trong tháng 10, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt 2,25 tỷ SGD, tăng 3,12 % so với cùng kỳ năm 2021, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 522,4 triệu SGD, tăng 8,29% và NK từ Singapore vào Việt Nam khoảng 1,7 tỷ SGD, tăng 1,65%. Tuy nhiên, so với tháng liền kề trước, tất cả các chỉ tiêu kim ngạch đều giảm mạnh, cụ thể: tổng kim ngạch XNK giảm 24,14%, kim ngạch NK giảm 27,13%, kim ngạch XK giảm 12,18%.

Trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore đạt 614,08 triệu SGD, tăng 51,1% và hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam đạt 1,18 tỷ SGD (chiếm 65%), giảm 13,83%.

Mặc dù mức thâm hụt giữa NK và XK ước gần 1,2 tỷ SGD song nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 91,67 triệu SGD.

Nếu tính cả 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XNK 2 chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 26,72 tỷ SGD, tăng 23,42% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó XK đạt hơn 6,5 tỷ SGD, tăng 35,25% và NK khoảng 20,2 tỷ SGD, tăng 20,04%.

Về cơ cấu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thì hàng trung gian (tạm nhập tái xuất) qua Singapore vào Viêt Nam chiếm tới 70,6% tổng kim ngạch hàng XK từ Singapore vào Việt Nam, tương đương 14,26 tỷ SGD. Giá trị này gần bằng mức thâm hụt thương mại giữa 2 nước trong 10 tháng của năm 2022 (13,69 tỷ SGD). Trong khi đó, cán cân thương mại của hàng hóa có xuất xứ từ Singapore với Việt Nam giữ ở mức tương đối cân bằng, thậm chí Việt Nam đang xuất siêu khoảng 576 triệu SGD. Điều này cho thấy, lợi thế rõ rệt của trung tâm thương mại khu vực của Singapore.

Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore (tính trong tháng 10/2022):

Trong tháng 10/2022, mặc dù kim ngạch XNK hàng hóa giữa Singapore và Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt 3,12%, nhưng mức tăng chậm lại đáng kể so với tháng 9/2022 (30,05%). 20/21 nhóm ngành hàng XK chính tiếp tục tăng trưởng, một số nhóm ngành hàng tăng trưởng với mức rất cao như nhóm vật liệu xây dựng (muối, lưu huỳnh, đất và đá, thạch cao, vôi và xi măng) (tăng 1.728,36%), dầu thực động vật và chất béo (tăng 388,66%), giầy dép các loại (tăng 374,2%), đồ nội thất và các sản phẩm liên quan khác (tăng 152,29%), gạo và ngũ cốc (tăng 123,2%), quần áo may mặc không thuộc hàng dệt kim (tăng 102,59%)… 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch XK tiếp tục tăng trưởng ở mức hai chữ số, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ kiện (202,76 triệu SGD, tăng 12,9%) và lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (104,24 triệu SGD, tăng 16,93%). Nhóm ngành hàng thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh là nhóm duy nhất tăng trưởng âm (giảm 19,63%). Đáng chú ý, nhóm ngành hàng xăng dầu và sản phẩm xăng dầu trong các tháng trước luôn nằm trong nhóm 5 mặt hàng XK chính của Việt Nam sang Singapore thì trong tháng 10/2022 chỉ đạt mức kim ngạch không đáng kể (11 nghìn SGD), xếp thứ 76 trong số các ngành hàng XK được thống kê.

Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam:

Tháng 10 mặc dù kim ngạch NK hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam thấp hơn so với các tháng liền kề nhưng hàng hóa có xuất xứ Singapore xuất khẩu vào Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao (tăng 51,1%), trong khi hàng hóa trung gian qua Singapore nhập vào Việt Nam tăng trưởng âm (giảm 13,83%). Trong 21 nhóm ngành NK chính, có 4/21 nhóm ngành hàng NK chủ lực suy giảm là máy móc, thiết bị, điện thoại di dộng, linh kiện và phụ tùng các loại (giảm 36,47%), rượu và đồ uống (giảm 7,14%), đồng hồ, đồng hồ cá nhân và các bộ phận (giảm 4,49%), máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (giảm 3,23%). 17/21 nhóm ngành hàng NK chính còn lại tăng trưởng dương, một số tăng trưởng cao như xăng dầu và sản phẩm dầu mỏ (tăng 151,71%), sắt thép (tăng 107,08%), thức ăn và các sản phẩm chế biến (tăng 89,01%), nhôm và sản phẩm từ nhôm (tăng 83,72%)…

Đáng chú ý, trong 4 nhóm ngành hàng NK chiếm tỷ trọng lớn nhất (trị giá trên 100 triệu SGD), ngoài nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di dộng, linh kiện và phụ tùng các loại tăng trưởng âm (598,39 triệu SGD, giảm 36,47%) thì 3 nhóm còn lại vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, cụ thể: xăng dầu, sản phẩm từ dầu mỏ 305,8 triệu SGD, tăng 151,71%); lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng (217,51 triệu SGD, tăng 44,55%) và nhựa và sản phẩm từ nhựa (159,13 triệu SGD, tăng 43,02%).

  1. Phân tích, đánh giá:

Tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, mặc dù cán cân thương mại giữa Singapore và thế giới vẫn tăng trưởng khá tốt nhưng bắt đầu cho thấy sự giảm tốc so với những tháng trước đây. Điều này cho thấy tình trạng lạm phát cao, nguy cơ suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn cùng với những bất ổn địa chính trị đã bắt đầu tác động đến kinh tế và thương mại toàn cầu, trong đó Singapore với vai trò là một đầu mối trung chuyển lớn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều khả năng đà suy giảm này sẽ tiếp tục trong những tháng còn lại của năm 2022 và đầu năm 2023.

Không nằm ngoài xu thế giảm tốc của tăng trưởng thương mại giữa Singapore với thế giới, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 10 bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa Singapore và Việt Nam trong 10 tháng của năm 2022 vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương tương đối tốt, trong đó đáng chú ý XK sang Singapore trong 10 tháng vẫn tăng cao, như các tháng liền kế trước đó. So với các đối tác thương mại lớn khác, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Singapore ở mức trung bình. Nhìn chung, thâm hụt thương mại giữa Singapore và Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao, trung bình khoảng hơn 1 tỷ SGD mỗi tháng, chủ yếu là hàng hóa tái xuất từ nước thứ 3 vào Việt Nam. Song nếu chỉ tính cán cân nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Singapore trong 10 tháng đầu năm thì Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng hơn 576 triệu SGD.

Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore và thế giới (1.156,5 triệu SGD) đã đạt gần mức của cả năm 2021 (gần 1.160SGD); tổng kim ngạch hai chiều của Singapore và Việt Nam (26,72 tỷ SGD) đạt xấp xỉ kim ngạch cả năm 2021 (gần 27 tỷ SGD). Dự báo, năm 2022, tổng kim ngạch sẽ đạt tăng trưởng 15-20%.

VTO

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]