Tình hình xuất nhập khẩu Singapore tháng 2 năm 2022

12040
  1. Tình hình XNK của Singapore trong tháng 02/2022:

1.1 Tổng quan:

Trong tháng 2/2022, tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt hơn 97,1 tỷ SGD, tăng 21,02%, trong đó XK đạt gần 52,1 tỷ SGD, tăng 22,28% và NK hơn 45 tỷ SGD, tăng 19,59% so với tháng 2/2021.

Trong kim ngạch hàng XK, hàng hoá có xuất xứ từ Singapore đạt hơn 24 tỷ SGD (tăng 24,05%) và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 đạt gần 27,9 tỷ SGD (tăng 20,79%), chiếm lần lượt 46,5% và 54,5% tổng kim ngạch XK.

Bảng 1: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Thế giới trong tháng 02 năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
  Hạng mục T02/2021 T02/2022 Tăng, giảm (%)
1 Xuất nhập khẩu 80,245,891 97,112,789 21.02
2 Xuất khẩu 42,602,227 52,096,110 22.28
3 Nhập khẩu 37,643,664 45,016,679 19.59
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 19,517,396 24,211,305 24.05
5  + Hàng tái xuất đi nước thứ ba 23,084,831 27,884,805 20.79

Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt hơn 202 tỷ SGD, tăng 23,02%, trong đó XK hơn 107 tỷ SGD (tăng 22,18%) và NK là 95 tỷ SGD (tăng 23,97%).

Bảng 2: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Thế giới trong 2 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
  Hạng mục 2T/2021 2T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Xuất nhập khẩu 164,263,340 202,071,372 23.02
2 Xuất khẩu 87,591,060 107,018,342 22.18
3 Nhập khẩu 76,672,280 95,053,029 23.97
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 39,719,582 48,950,755 23.24
5  + Hàng tái xuất đi nước thứ ba 47,871,479 58,067,588 21.30

Kim ngạch XNK trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022 khởi sắc tăng cao, tiếp tục đà tăng đạt được trong năm 2021. Đây là xu hướng được dự báo từ trước khi Singapore gần đây liên tục thực hiện chính sách nới lỏng quản lý biên giới và thích ứng, sống chung với covid-19.

1.2 Với 15 đối tác thương mại lớn:

Trong 2 tháng đầu năm 2022 (so với cùng kỳ 2021), kim ngạch NXK của Singapore với 15/15 đối tác có kim ngạch thương mại lớn nhất (chiếm gần 79,21% kim ngạch XNK của Singapore với thế giới) tăng trưởng dương, hầu hết ở mức 2 con số như United Arab Emirates (tăng 69,08%), Hàn Quốc (tăng 37,92%), Đài Loan (tăng 32,96%), Ấn Độ (tăng 30,82%), Thái Lan (tăng 30,09%)… Trung Quốc, Malaysia và Đài Loan là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, tăng 13,29%.

Bảng 3: Thống kê thương mại hai chiều của Singapore với 15 đối tác lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị: nghìn SGD, %)
TT Đối tác 2T/2021 2T/2022 Tăng, giảm (%)  
1 Trung Quốc 22,049,083 25,287,903 14.69  
2 Malaysia 19,427,584 21,147,020 8.85  
3 Đài Loan 14,127,012 18,783,168 32.96  
4 Mỹ 14,860,614 18,191,973 22.42  
5 Hong Kong 12,003,775 13,750,456 14.55  
6 Indonesia 8,391,447 10,734,532 27.92  
7 Hàn Quốc 7,430,589 10,248,372 37.92  
8 Nhật Bản 7,944,717 9,365,669 17.89  
9 Thái Lan 4,876,206 6,343,550 30.09  
10 Ấn Độ 3,862,170 5,052,579 30.82  
11 Việt Nam 4,039,173 4,576,063 13.29  
12 Australia 3,714,391 4,570,930 23.06  
13 United Arab Emirates 2,616,068 4,423,233 69.08  
14 Phillipines 3,549,451 3,967,970 11.79  
15 Đức 3,167,373 3,620,394 14.30  

Về nhập khẩu: Các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, United Arab Emirates, Pháp… Việt Nam hiện không nằm trong nhóm 20 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Singapore. Mức tăng nhập khẩu của Singapore trong nhóm 20 thị trường lớn này khá cao cao, 19/20 thị trường tăng trưởng dương, một số thị trường tăng 3 con số như Nga (tăng 191,98%), Brazil (tăng 174,36%). Đài Loan soán ngôi Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm, với kim ngạch gần 13,5 tỷ SGD, tăng 41,46%. Tiếp theo sau là Malaysia (thứ 2) và Trung Quốc (thứ 3).

Bảng 4: Thống kê nhập khẩu của Singapore với

20 đối tác lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2022

 
(Đơn vị: nghìn SGD, %)  
STT Đối tác 2T/2021 2T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Đài Loan 9,496,387 13,448,569 41.62
2 Malaysia 10,955,788 11,516,363 5.12
3 Trung Quốc 11,110,736 11,187,079 0.69
4 Mỹ 7,262,351 8,931,032 22.98
5 Hàn Quốc 3,656,719 6,383,694 74.57
6 Nhật Bản 4,414,241 4,944,884 12.02
7 Indonesia 2,889,873 3,606,870 24.81
8 United Arab Emirates 1,723,912 3,106,798 80.22
9 Pháp 2,008,744 2,492,668 24.09
10 Thái Lan 1,560,128 2,471,481 58.42
11 Thuỵ sỹ 1,392,904 2,381,276 70.96
12 Đức 1,864,186 2,113,017 13.35
13 Phillipines 1,564,888 1,986,537 26.94
14 Saudi Arabia 1,278,716 1,960,797 53.34
15 Ấn Độ 1,280,130 1,908,395 49.08
18 Anh 1,608,981 1,717,734 6.76
16 Nga 493,941 1,442,221 191.98
17 Australia 1,711,478 1,427,215 -16.61
19 Brazil 456,894 1,253,520 174.36
20 Qatar 813,097 1,029,323 26.59

Về xuất khẩu: Các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore. Đáng chú ý, có tới 18/20 thị trường xuất khẩu của Singapore tăng trưởng dương, hầu hết ở mức 2 con số, cá biệt có thị trường tăng tới 4 con số như Na Uy (tăng 1388,66%). Các thị trường xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Hong Kong và Mỹ tăng lần lượt là 28,91%, 16,18% và 13,68%…  

Bảng 5: Thống kê xuất khẩu của Singapore với

20 đối tác lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2022

(Đơn vị: nghìn SGD, %)
STT Đối tác 2T/2021 2T/2022 Tăng, giảm (%)
1 Trung Quốc 10,938,348 14,100,824 28.91
2 Hong Kong 11,211,951 13,026,293 16.18
3 Malaysia 8,471,796 9,630,658 13.68
4 Mỹ 7,598,263 9,260,941 21.88
5 Indonesia 5,501,574 7,127,662 29.56
6 Đài Loan 4,630,625 5,334,599 15.20
7 Nhật Bản 3,530,476 4,420,785 25.22
8 Thái Lan 3,316,077 3,872,069 16.77
9 Hàn Quốc 3,773,870 3,864,678 2.41
10 Việt Nam 3,168,933 3,569,299 12.63
11 Ấn Độ 2,582,040 3,144,184 21.77
12 Australia 2,002,912 3,143,715 56.96
13 Hà Lan 1,781,228 2,371,297 33.13
14 Philippines 1,984,564 1,981,433 -0.16
15 Campuchia 2,006,826 1,926,426 -4.01
18 Bỉ 917,638 1,709,984 86.35
16 Đức 1,303,186 1,507,377 15.67
17 United Arab Emirates 892,156 1,316,436 47.56
19 Na Uy 81,643 1,215,388 1388.66
20 Bangladesh 681,302 1,081,173 58.69

1.3 Theo ngành hàng:

Về XK: Trong tháng 2/2022, 18/21 ngành hàng XK chủ lực của Singapore ra thế giới tăng, góp phần đưa cán cân thương mại XK tăng trưởng khá cao; 5 nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch trên 2 tỷ SGD, tăng trưởng tốt, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (19 tỷ SGD, tăng 22,93%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ kiện (6,9 tỷ SGD, tăng 13,72%), xăng dầu và sản phẩm xăng dầu (6,4 tỷ SGD, tăng 72,66%), bưu phẩm (3 tỷ SGD, tăng 36,15%) và máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, nhạc cụ và phụ kiện (2,1 tỷ SGD, tăng 2,19%)… Chỉ có 3 nhóm ngành hàng XK tăng trưởng âm gồm ngọc trai, đá quý và các sản phẩm kim hoàn (giảm 39,66%), rượu, đồ uống (giảm 22,73%) và phương tiện tàu bay, tàu vũ trụ và các bộ phận (giảm 11,29%).   

Về NK: Trong tháng 2, cùng với đà tăng XK, kim ngạch nhập khẩu của Singapore tiếp tục tăng rất cao, 19/21 nhóm ngành hàng NK lớn nhất tăng trưởng dương, đáng lưu ý một nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch NK tăng trưởng tốt, cụ thể: máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ tùng (15,8 tỷ SGD, tăng 22,7%), xăng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ (8,99 tỷ SGD, tăng 38,19%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ tùng (6,1 tỷ SGD, tăng 10,44… Một số nhóm ngành hàng NK tăng trưởng âm gồm bưu phẩm (giảm 22,08%) và phương tiện tàu bay, tàu vũ trụ và các bộ phận (giảm 6,26%), %) và ngọc trai, đá quý, sản phẩm kim hoàn (giảm 6,39%).

  1. Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore:

Trong tháng 2, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt 2,2 tỷ SGD, tăng 20,15% so với cùng tháng của năm 2021, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 445,5 triệu SGD, tăng 0,81% và NK từ Singapore vào Việt Nam khoảng gần 1,8 tỷ SGD, tăng 26,24%.

Trong hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá xuất xứ Singapore, chỉ đạt 472,3 triệu SGD, tăng 24,77% song hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam đạt tới 1,3 tỷ SGD (chiếm 73%), tăng 26,78%.

Nếu tính cả 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XNK 2 chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 4,6 tỷ SGD, tăng 13,29% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó XK đạt hơn 1 tỷ SGD, tăng 15,69% và NK khoảng 3,6 tỷ, tăng 12,63%.

Bảng 6: Thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
giữa Việt Nam và Singapore trong 2 tháng đầu năm 2022
(Đơn vị tính: nghìn SGD, %)
STT Hạng mục 2T/2021 2T/2022 Tăng, giảm (%)  
1 Xuất nhập khẩu 4,039,173 4,576,063 13.29  
2 Xuất khẩu 870,239 1,006,764 15.69  
3 Nhập khẩu 3,168,933 3,569,299 12.63  
4 + Hàng có xuất xứ từ Singapore 743,793 994,899 33.76  
5  + Hàng tái xuất từ nước thứ ba 2,425,140 2,574,400 6.15  

Xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Singapore:

Trong tháng 2/2022, mặc dù cùng chiều với đà tăng khá tốt trong cán cân kim ngạch XNK hàng hoá giữa Singapore và Việt Nam, song kim ngạch XK hàng hoá từ VN sang Singapore tăng không lớn, chỉ khoảng 0,81%. Chỉ có 13/21 nhóm ngành hàng XK tăng trưởng dương, có nhóm ngành hàng tăng trưởng với mức rất cao như ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (tăng 10958,29%), sắt thép (tăng 1343,17%), các sản phẩm từ sắt thép (tăng 205,13%)… Tuy nhiên, có tới 8/21 nhóm ngành hàng XK tăng trưởng âm. Sự sụt giảm kim ngạch XK xảy ra cả với nhóm ngành NK có tỷ trọng lớn nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động và linh kiện (giảm 6,92%). Một số mặt hàng giảm mạnh như: xăng dầu và các sản phẩm dầu mỏ (giảm 59,46%); Rau củ quả các loại (giảm 36,47%); Giày dép các loại (giảm 22,98%).

Nhập khẩu hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam:

Tháng 2 chứng kiến sự tăng trưởng lớn từ kim ngạch NK hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam. Xu hướng này trái ngược với sự tăng trưởng nhẹ trong cán cân XK từ Việt Nam sang Singapore. Trong 21 nhóm ngành NK chủ lực, chỉ có 3/21 nhóm ngành hàng suy giảm, còn lại hầu hết là tăng trưởng dương ở mức 2 con số. Một số nhóm ngành hàng NK tăng ở mức 3 con số như: sắt thép (tăng 694,67%), xe cộ và các thiết bị vận tải trừ xe chạy trên đường ray (tăng 233,27%), đồng hồ, đồng hồ cá nhân và bộ phận (tăng 141,86%), lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng các loại (tăng 113,03%)…

  1. Phân tích, đánh giá:

Tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng khá tốt của cán cân thương mại giữa Singapore và thế giới. Ngoài yếu tốt thời vụ là Tết dương lịch, Tết nguyên đán, Valentine, cầu tiêu dùng tăng cao, thì chính sách mở cửa trở lại của Singapore cũng là nguyên nhân quan trọng giúp cho thương mại của Singapore phục hồi tốt. Theo dự báo, đà tăng trưởng này sẽ được giữ vững trong năm 2022.

Quan hệ thương mại giữa Singapore và Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng dương, đáng chú ý XK sang Singapore trong tháng đầu năm tăng khá tốt tuy mức tăng chỉ tương đối nhẹ trong tháng 2. So với các đối tác thương mại lớn khác, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Singapore ở mức khá thấp. Nhìn tổng thể, thâm hụt thương mại giữa Singapore và Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao, trung bình khoảng hơn 1 tỷ SGD/tháng, chủ yếu là hàng hóa tái xuất từ nước thứ 3 vào Việt Nam. Xem xét cụ thể nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Singapore 2 tháng đầu năm (995 triệu SGD) thì Việt Nam vẫn xuất siêu (11,68 triệu SGD).

Sự tăng trưởng trong nhập khẩu của hầu hết các ngành hàng cho thấy kinh tế Singapore đã có bước phục hồi tốt; các mặt hàng máy móc thiết bị, phụ tùng dụng cụ,.. nhập khẩu tăng cho thấy sản xuất đã bắt đầu tăng trưởng trở lại.

VTO

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]