Xuất nhập khẩu Singapore, tình hình thị trường cần nắm tháng 10/2020

17698
  1. Tình hình XNK của Singapore trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2020:

1.1 Tổng quan:

Trong tháng 10, tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt 81,1 tỷ SGD, giảm 8,96%, trong đó XK đạt 42,8 tỷ SGD, giảm 8,65% và NK đạt 38,3 tỷ SGD, giảm 9,31% so với tháng 10/2019. Trong kim ngạch hàng XK, hàng hoá có xuất xứ từ Singapore đạt 17,3 tỷ SGD (giảm 20,94%) và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 đạt 25,4 tỷ SGD (tăng 2,18%), chiếm lần lượt 40,5% và 59,5% tổng kim ngạch XK. Trong bối cảnh XNK liên tục suy giảm sâu trong nhiều tháng qua, do chiến tranh thương mại và covid-19, thương mại trung gian của Singapore vẫn được giữ vững và phát triển. Đáng chú ý, hàng hoá được sản xuất tại Singapore xuất khẩu suy giảm khá sâu. Đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước tại Singapore đang ở trong giai đoạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19.

Nếu tính cả 10 tháng đầu năm 2020: Tổng kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt 785,5 tỷ SGD, giảm 7,3%, trong đó XK đạt 410,5 tỷ SGD, giảm 7,07% và NK đạt 375 tỷ SGD, giảm 7,55%. Trong kim ngạch hàng XK, hàng hoá xuất xứ Singapore đạt 180,6 tỷ SGD, giảm 14,07% và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 đạt 229,9 tỷ SGD, giảm 0,72%.

1.2 Với 20 đối tác thương mại lớn: Trong 10 tháng đầu 2020 (so với cùng kỳ 2019), kim ngạch NXK của Singapore với 11/15 đối tác thương mại lớn (chiếm 81,5% kim ngạch XNK của Singapore với thế giới) suy giảm, trong đó 3 đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ và Malaysia giảm lần lượt là 1,86%, 1,33% và 7,77%. Đáng chú ý, một số đối tác lớn khác có mức suy giảm 2 con số như Ấn Độ (giảm 22,71%), Indonesia (giảm 16,92%) và Pháp (giảm 11,41%). 4/16 đối tác thương mại lớn nhất còn lại vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt như Hàn Quốc (tăng 12,2%), Hà Lan (tăng 11,43%), Đài Loan (10,25%) và Thái Lan (7,06%). Bất chấp xu hướng suy giảm XNK nói chung, TQ vẫn giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, bỏ xa các đối tác như Mỹ, Malaysia, Đài Loan và Hong Kong (lần lượt đứng thứ 2, 3, 4 và thứ 5).

Về nhập khẩu: Các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan. Việt Nam đứng thứ 17/20 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Singapore song lại nằm trong nhóm 5/20 thị trường nhập khẩu lớn nhất duy trì đà tăng trưởng dương: Thái Lan (tăng 33,19%), Hàn Quốc (tăng 12,25%), Đài Loan (tăng 10,21%), Việt Nam (tăng 9,4%) và Malaysia (tăng 1,81%). 15/20 thị trường nhập khẩu lớn còn lại đều bị suy giảm.

Về xuất khẩu: Các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hong Kong, Mỹ, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10/20 của Singapore.

1.3 Theo ngành hàng:

Về XK: Trong tháng 10, 12/21ngành hàng XK chủ lực của Singapore ra thế giới bị suy giảm so với cùng kỳ 2019, trong đó một số ngành hàng XK suy giảm 2 con số như: bưu phẩm (giảm 75,21%), phương tiện bay và phụ kiện (giảm 49,93%), xăng dầu và sản phẩm dầu mỏ (giảm 43,45%), ngọc trai và sản phẩm kim hoàn (giảm 34,1%), các sản phẩm sắt thép (giảm 17,68%)… Trong bối cảnh suy giảm XK, 9/21 ngành hàng xuất khẩu hàng đầu của Singapore vẫn duy trì đà tăng trưởng, trong đó có ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch XK tăng khá cao như máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng (tăng 13,2%). Thức ăn và các sản phẩm chế biến và dược phẩm có mức tăng trưởng xuất khẩu khá tốt, lần lượt 20,97% và 12,84%.

Nếu tính cả 10 tháng đầu năm 2020, 16/22 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Singapore suy giảm và 10/22 nhóm ngành hàng suy giảm ở mức hai con số. Điều này khiến cho kim ngạch xuất khẩu của Singapore trong nhiều tháng liên tiếp bị sụt giảm. Đáng chú ý, máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng (nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu) và ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (đứng thứ 4) có mức tăng trưởng tương đối tốt, lần lượt là 9,47% và 20,36%.

Về NK: Trong tháng 10, 13/21 nhóm ngành hàng NK chính của Singapore giảm so với cùng kỳ 2019, trong đó 6/21 ngành hàng NK chủ lực sụt giảm 2 con số và có một số nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân NK như lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và phụ tùng và xăng dầu, sản phẩm từ xăng dầu, lần lượt giảm mạnh, 8,16% và 40,6%. 9/23 ngành hàng nhập khẩu chính còn lại tăng trưởng dương. Máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch nhập khẩu, tăng 6,64%. Một số ngành hàng nhập khẩu tăng mạnh như dầu thực động vật, chất béo (tăng 84,05%), quần áo may mặc không thuộc hàng dệt kim (tăng 25,03%), cao su và sản phẩm từ cao su (tăng 20,69%), máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện (tăng 11,05%).

Mặc dù số liệu cho thấy đà suy giảm nhập khẩu diễn ra trong cả 10 tháng đầu năm 2020 và bao trùm phần lớn các nhóm ngành hàng nhập khẩu chính của Singapore, tuy nhiên một số nhóm ngành hàng nhập khẩu vẫn gia tăng mạnh, thể hiện nhu cầu của thị trường Singapore khá lớn như sản phẩm dệt may dùng trong sản xuất quần áo (tăng 530,04%), dầu mỡ động thực vật, chất béo (tăng 73,72%), ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (tăng 21,63%), dược phẩm (tăng 13,26%), máy móc, thiết bị, điện thoại di dộng và phụ kiện (tăng 11%)…

  1. Phân tích cán cân XNK Việt Nam – Singapore:

Trong tháng 10, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt 1,89 tỷ SGD, giảm 2,54% so với cùng kỳ 2019, trong đó XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 461,1 triệu SGD, tăng 27,58% và NK từ Singapore vào Việt Nam đạt 1,43 tỷ SGD, giảm 9,45%. Trong hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá xuất xứ Singapore, chỉ đạt 315,7 triệu SGD, giảm 39,38% song hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam đạt tới 1,1 tỷ SGD (chiếm 76,9%), tăng 5,33%. Cán cân XNK giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 10 giảm nằm trong xu hướng suy giảm XNK nói chúng của Singapore với thế giới. Đáng chú ý, chiều XNK từ Việt Nam sang Singapore trong tháng 10 lại tăng khá mạnh.

Nếu tính cả 10 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt 18,56 tỷ SGD, đứng thứ 10/15 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore, giảm 1,95% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: XK từ Việt Nam sang Singapore đạt 4,6 tỷ SGD, tăng 9,4%; NK từ Singapore vào VN khoảng 13,9 tỷ SGD, giảm 5,22%. Trong hàng hoá từ Singapore NK vào VN, hàng hoá có xuất xứ Singapore, đạt 3,7 tỷ SGD, giảm 24,18% và hàng hoá từ nước thứ 3 qua Singapore vào Việt Nam, đạt 10,3 tỷ SGD, tăng 4,07%.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore:

Cũng theo số liệu trên, trong tháng 10, kim ngạch XNK hàng hoá của Singapore và Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù có 12/21 nhóm ngành XK chủ lực suy giảm, tăng trưởng âm song 9/21 nhóm ngành hàng XK chủ lực khác lại tăng rất cao, giúp cho kim ngạch XK của Việt Nam sang Singapore tăng cao trong tháng 10. Ba nhóm ngành ngành XK chiếm tỷ trọng lớn nhất gồm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng, xăng dầu và sản phẩm từ xăng dầu, và thuỷ tinh và sản phẩm từ thuỷ tinh, tăng lần lượt là 47,2%, 194,27% và 51,61%. Có 4/21 nhóm ngành hàng XK chủ lực còn lại tăng trưởng 3 con số: dầu động thực vật và chất béo (tăng 621,54%), các sản phẩm dệt may sản xuất quần áo (tăng 572,88%), sắt thép (tăng 128,41%), ngọc trai, đá quý và sản phẩm kim hoàn (tăng 127,6%).

Trong 10 tháng đầu năm 2020, 15/22 ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Singapore suy giảm song 7/22 ngành hàng XK chủ lực lại tăng ở mức rất cao, một số ngành hàng XK tăng ở mức 3 con số. Cụ thể: các sản phẩm dệt may để sản xuất quần áo (tăng 320,78%), máy móc, thiết bị, điện thoại di động và phụ kiện (tăng 55,03%), thuỷ tinh và sản phẩm từ thủy tinh (tăng 33,27%)… Sự tăng trưởng của các nhóm ngành hàng XK trên đây góp phần đáng kể giúp cho cán cân XK của Việt Nam sang Singapore trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng dương.

Nhập khẩu hàng hoá từ Singapore vào Việt Nam:

Tháng 10 tiếp tục chứng kiến đà suy giảm đáng chú trong kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ Singapore. Cụ thể: 10/20 ngành hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Singapore giảm; và 10/20 ngành hàng NK tiếp tục tăng so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, trong xu hướng suy giảm NK từ Singapore vào Việt Nam thì hàng hoá trung gian qua Singapore nhập khẩu vào Việt Nam tại liên tục tăng (trong tháng 10 tăng 5,33% và trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng 4,07%). Điều này cho thấy vai trò trung gian của thị trường Singapore như là cầu dẫn để hàng hoá từ nước thứ 3 nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]