Covid-19 và chuyển hướng chính sách của Singapore

56419

Dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019 đang tiếp tục lan rộng ra khắp thế giới và đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế các nước, từ bán lẻ, giải trí, ăn uống, du lịch cho đến sản xuất. Tuần qua, IMF đã dự báo tốc độ tăng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ xuống thấp hơn mức 2,9 % của năm 2019. Là một nền kinh tế có độ mở lớn; tác động đến nền kinh tế Singapore ngày càng nặng nề và rõ nét, đặc biệt đến khu vực sản xuất công nghiệp, dẫn đến việc nước này phải điều chỉnh lại mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế.

Tốc độ sụt giảm ngành sản xuất ở mức lớn nhất trong 5 năm qua đã phản án sự tác động của dịch Covid-19 đến toàn bộ chuỗi cung ứng của Singapore. Chỉ số PMI của Singapore (bao gồm các thành tố như: đơn đặt hàng mới, lượng xuất khẩu, đầu ra thành phẩm, hàng tồn kho và việc làm) trong tháng 2/2020 đã đột ngột sụt giảm 1.6 điểm, trong đó ngành điện tử là sụt giảm mạnh nhất (sau khi có mức tăng nhẹ trong tháng 1, dưới tác động của những dấu hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Trung). Chỉ số PMI hiện nay là 48.7, là mức thấp nhất tính từ tháng 2/2016. PMI có thể coi là nguồn dữ liệu đầu tiên của Singapore để đánh giá mức độ tác động và phạm vi tác động của Covid-19 đến tất cả các phương diện của ngành sản xuất của Singapore. Tháng 1/2020, PMI của ngành điện tử-điện máy vừa chứng kiến sự hồi phục nhẹ, trở lại mốc 50.1 điểm, gần đạt mốc 50.5 trước khi xảy ra đối đầu thương mại Mỹ Trung hồi Quý III/2018. Tuy nhiên, xu hướng này nhanh chóng đảo chiều trong tháng 2, khi PMI ngành điện tử-điện máy sụt giảm tới 2.5 điểm, là mức thấp nhất kể từ năm 2012 và đây cũng là mức sụt giảm lớn nhất trong một tháng tính từ năm 2012.

Ngày 17/ 2/2020, Bộ Công Thương Singapore lại một lần nữa tiếp tục điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng và đã đưa ra mức suy thoái -0.5%. Năm 2020 sẽ có thể là năm đầu tiên sau 20 năm, nền kinh tế Singapore lại rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Các nhà nghiên cứu kinh tế của Singapore đều cho rằng Covid-19 đã thực sự làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến khu vực sản xuất của mọi nền kinh tế, trong đó có Singapore. Cuối tháng 1/2020, khi các dấu hiệu của Covid-19 chưa rõ ràng, các số liệu và khảo sát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đều cho thấy dấu hiệu lạc quan, tin tưởng sự hồi phục của khu vực này sau đà giảm tốc liên tục do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng chịu tác động của Covid-19, tình hình đã hoàn toàn đảo chiều khi một loại các chỉ số của khu vực sản xuất đều sụt giảm, ví dụ như đơn đặt hàng, đầu ra, xuất khẩu, các thành tố khác của PMI như giá đầu vào, tình trạng giao hàng, nhập khẩu cũng đều rất tiêu cực, khiến cho các dự báo kinh tế của Singapore nói chung và khu vực sản xuất nói riêng ngày càng ảm đạm hơn.

Covid-19 là nguyên nhân chính khiến Chính phủ Singapore phải tính đến điều chỉnh lại mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của nước này. Những năm gần đây, kể từ sau kỷ niệm 50 năm lập nước, Singapore liên tục nghiên cứu nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng theo đó, nước này dự kiến đẩy mạnh khu vực công nghiệp trong nền kinh tế (công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo…), giảm dần tỷ trọng của khu vực dịch vụ vì cho rằng khả năng cạnh tranh của Singapore trong một số ngành dịch vụ truyền thống đã trở nên kém đi nhiều; một số ngành dịch vụ đã đạt đến mức tăng trưởng tới hạn. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nguồn cung linh phụ kiện và các sản phẩm đầu vào đã làm Singapore trở nên thận trọng hơn. Trong điều trần gần đây trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương nước này dự kiến sẽ duy trì khu vực sản xuất xoay quanh tỷ trọng 20% của nền kinh tế và tiếp tục tìm kiếm cách thức chuyển đổi, đa dạng hóa khu vực dịch vụ, chú trọng các ngành dịch vụ tiềm năng như thông tin, truyền thông, thương mại bán buôn…

Singapore cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn cung cũng như sự phụ thuộc thị trường xuất khẩu vào một vài đối tác. Với mạng lưới các hiệp định thương mại tự do không ngừng được mở rộng đến các khu vực và đối tác, Singapore dự kiến sẽ khống chế tỷ lệ xuất khẩu vào một thị trường đơn lẻ không quá 15% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Đối với một số hàng hóa thiết yếu, Singapore sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo xây dựng năng lực sản xuất nội tại. Về nguồn cung, Singapore sẽ tiếp tục quan tâm để đẩy mạnh sự đa dạng hóa cả về nguồn hàng thực phẩm, nguồn nguyên vật liệu lẫn nguồn lao động để tránh mọi nguy cơ đứt gẫy trong tương lai. Số liệu xuất nhập khẩu Singapore thời gian gần đây đã cho thấy sự chuyển dịch này rõ ràng: giá trị thương mại hai chiều của Singapore với Trung Quốc, Malaysia có sự sụt giảm trong khi với các đối tác khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đang gia tăng nhanh chóng.

Nếu cần trao đổi thêm, xin liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Singapore theo địa chỉ [email protected]